Bộ GD&ĐT chấn chỉnh lạm thu đầu năm học 2020 - 2021

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa quyết liệt thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Xử lý nghiêm tình trạng lạm thu
Trong công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020 - 2021 và đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo UBND các cấp, cơ quan quản lý giáo dục các cấp hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại.
Về học phí, căn cứ vào trần học phí năm học 2020 - 2021 quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, HĐND các tỉnh thống nhất quy định mức thu học phí cụ thể, phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và tình hình dịch Covid-19. Trong trường hợp tổ chức học trực tuyến (online), mức thu học phí không được vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
HĐND cấp tỉnh, thành quyết định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vùng miền.

Bộ GD&ĐT chấn chỉnh lạm thu đầu năm học 2020 - 2021. Ảnh: Oanh Trần

Việc quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT, quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Đặc biệt, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT.
Cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo
Để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND các tỉnh tập trung các nguồn lực đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học, đào tạo bồi dưỡng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn kinh phí đề án, dự án liên quan để đảm bảo tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí các nguồn lực để huy động và phân bổ ngân sách cho giáo dục đảm bảo chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các hoạt động giảng dạy, học tập…) cho các cơ sở giáo dục đúng quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
 Các tỉnh, TP công khai đường dây nóng để Nhân dân phản ánh. Ảnh: Kim Thỏa.
Các địa phương cần thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương chủ động thực hiện hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chủ động rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm; lập đường dây nóng, thông báo công khai đường dây nóng trên website để Nhân dân phản ánh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần