Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT sẽ phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch thời gian năm học 2015 – 2016 của các cơ sở giáo dục; đồng thời hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS trong thời gian nghỉ Hè an toàn, phù hợp với lứa tuổi và đặc biệt là đúng quy định. Bên cạnh đó còn phải tăng cường kiểm tra tình trạng dạy thêm, học thêm đối với bậc giáo dục tiểu học, để xử lý kịp thời những lớp học không đúng “lệnh” mà nhà quản lý giáo dục đã ban hành. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT còn yêu cầu các tỉnh, TP ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017 trên cơ sở khung kế hoạch của Bộ. Trong đó quy định rõ ngày học sinh tựu trường của từng cấp học đảm bảo phù hợp với lứa tuổi và tình hình địa phương. Ngoài ra, phải hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục như ôn tập, phụ đạo kiến thức cho HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao… cho HS sau ngày tựu trường của các cơ sở giáo dục. Văn bản gửi đi trong lúc kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang hối hả ở các địa phương, song vẫn là mối quan tâm với nhiều người. Bởi, Bộ GD&ĐT có vẻ kiên quyết khi yêu cầu địa phương xử lý nghiêm, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân chỉ đạo việc tựu trường trái quy định, để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong việc tổ chức các hoạt động Hè cho HS, tổ chức dạy học trước chương trình, dạy thêm, học thêm trái quy định. Song, liệu sự kiên quyết này có đủ sức nặng để “dẹp” tình trạng dạy thêm, học thêm trong Hè, khi mà nhu cầu gửi con của cha mẹ vẫn không giảm. Thêm vào đó là nỗi lo lắng “chơi nhiều, con sẽ quên dần kiến thức đã học trong năm” thường trực ở rất nhiều bậc cha mẹ. Các lớp ngoại khóa, các câu lạc bộ Hè đang độ sôi động, nhu cầu gửi con để đi làm của cha mẹ nơi TP vẫn cứ ăm ắp. Mà 2 tháng nữa, năm học mới bắt đầu, liệu yêu cầu này của lãnh đạo ngành giáo dục năm nay có thực hiện được? Đấy là chưa kể năm nào ngành giáo dục cũng ra một văn bản chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, nhưng dạy thêm, học thêm vẫn cứ là “một vấn đề cần chấn chỉnh” của ngành giáo dục.