Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GTVT chưa hài lòng với tiến độ tái cơ cấu ngành đường sắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu TCT mới xây dựng điều lệ, còn quy chế tài chính vẫn chưa xong, trong khi 1 số vấn đề Bộ đi kiểm tra thấy rất bất cập như cơ chế bán vé rất có vấn đề.

Sáng 6/12/2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về 1 năm thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN (TCTĐSVN), đã yêu cầu quán triệt mạnh mẽ hơn trong toàn đơn vị về yêu cầu khách quan phải đổi mới, xác định các bước đi mạch lạc để thực hiện trong kế hoạch năm 2014 – 2015, huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư các dự án trong chiến lược phát triển...

 
Bộ GTVT chưa hài lòng với tiến độ tái cơ cấu ngành đường sắt - Ảnh 1

Chậm và chưa có kết quả cụ thể 

Tái cơ cấu TCT ĐSVN có 7 nội dung chính: Xây dựng điều lệ; Tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh; Xây dựng phương án tăng vốn điều lệ;  Thoái vốn nhà nước ở 6 công ty hạch toán độc lập; Tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp; Sắp xếp lại 20 công ty quản lý hạ tầng; Tiếp tục thoái vốn ở các công ty còn lại.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) TCT ĐSVN  chỉ mới triển khai 2 nội dung đầu. Nội dung thứ 3 đã thống nhất quý IV/2013 xong để trình Thủ tướng chính phủ, song chỉ còn 3 tuần nữa không thấy TCT đề cập gì trong báo cáo. Nội dung thứ 4 đến nay mới xác định giá trị doanh nghiệp 2 công ty. Đề nghị TCT tiếp tục cho cổ phần hóa (CPH) công ty thứ 3 là Xe lửa Dĩ An và 3 công ty nữa như kế hoạch. Với 20 công ty hạ tầng TCTĐSVN có đề nghị giữ nguyên đến 2015 mới tiếp tục sắp xếp..

Cũng cho rằng TCT cần đẩy nhanh CPH lên vì 1 năm chưa xong 2 công ty là quá chậm, ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính còn cho rằng: Tái cơ cấu TCT mới xây dựng điều lệ, còn quy chế tài chính vẫn chưa xong, trong khi 1 số vấn đề Bộ đi kiểm tra thấy rất bất cập như cơ chế bán vé rất có vấn đề. Quy chế điều hành của TCT với khối đầu máy và khối toa xe cần chú trọng tính kịp thời và chặt chẽ, nếu không sẽ không nhịp nhàng, gây ách tắc. Cần phải xem xét lại tách rời các khối này có hiệu quả không, khi các khối đều hạch toán phụ thuộc TCTĐSVN và vừa rồi có phản ánh đơn giá đầu máy sau khi tách lên rất cao? Đề nghị để việc sắp xếp khối hạ tầng lại đến năm 2015 cũng cần phải báo cáo lại Thủ tướng chính phủ ...

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoằng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, nhấn mạnh, Bộ GTVT chỉ đạo tái cơ cấu TCTĐSVN có 2 nội dung lớn nhất là quản trị doanh nghiệp và đầu tư công, nội dung thứ 2 chưa thấy TCT đả động gì.

Về nội dung tái cơ cấu đầu tư công, ông Lê Anh Tuấn– Vụ trưởng Vụ Đối tác công –tư cũng nói rằng chưa thấy TCT đề xuất vẫn đề này, trong khi Thủ tướng đưa ra các dự án rất nhiều, song nguồn vốn chưa biết lấy đâu. Đường sắt nếu triển khai được một số dự án sẽ tạo ra bước thay đổi.  Đề nghị Bộ giao Đường sắt phối hợp nghiên cứu kêu gọi BOT 1 số tuyến thí điểm..

Tách sản xuất kinh doanh khỏi quản lý Nhà nước

Tái cơ cấu TCTĐSVN là vấn đề lớn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhiều lần làm việc với TCT để chỉ đạo cụ thể, song kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, Bộ trưởng cho rằng TCTĐSVN vẫn thiếu sự quyết liệt. Tái cơ cấu tất nhiên cần có thời gian, xong những nội dung tương đối đơn giản không cần nhiều thời gian thì phải làm nhanh. Về phương hướng triển khai, Bộ trưởng  chỉ đạo, phải tách vận tải – kết cấu hạ tầng để tách sản xuất kinh doanh khỏi quản lý Nhà nước, yêu cầu tháng 10/2013 TCT phải báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa có. Rõ ràng còn quá nhiều việc phải làm...

Theo Bộ trưởng, đường sắt vận chuyển phục vụ đa số người dân, yêu cầu phải rẻ, an toàn, thuận tiện, đúng giờ, thân thiện môi trường. Mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu đường sắt là kinh doanh phải có hiệu quả và đáp ứng an sinh xã hội.

Chỉ đạo cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu TCTĐSVN cần quán triệt trong lãnh đạo và tuyên truyền đến từng người lao động, để thống nhất trong nhận thức toàn TCT: Tái cơ cấu là yêu cầu khách quan để tồn tại và phát triển cùng với tiến trình chung của ngành và đất nước.

TCTĐSVN phải bám sát chiến lược phát triển đã trình để có phê duyệt chính thức làm căn cứ triển khai thực hiện, khẩn trương xây dựng quy hoạch trên cơ sở chiến lược. "Một TCTĐSVN không thể đồng thời làm cả quản lý nhà nước về hạ tầng và kinh doanh vận tải, phải học hỏi kinh nghiệm các nước xem họ tách như thế nào để ứng dụng trong điều kiện VN, đồng thời phải khẩn trương CPH khối sản xuất kinh doanh"-  Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại đường sắt đô thị. GPMB nếu 20 tỉ USD là quá lớn, cần thiết thì điều chỉnh lại chủ trương chuyển nhà ga ra khỏi nội thành, rất nhiều nước phát triển có nhà ga vẫn nằm trong nội thành. Hoàn thành đầu tư vệ sinh tự hoại trên toa xe vào 2014-2016, giải quyết các vấn đề môi trường để xây dựng đường sắt xanh.

Đặc biệt Bộ trưởng giao Ban PPP, Vụ KH-ĐT, Vụ Tài chính rà soát lại các dự án theo Chiến lược đã trình để huy động các nguồn vốn đầu tư. Nghiên cứu kêu gọi BOT hoặc các hình thức phù hợp các dự án: TP Hồ Chí Minh – Biên Hòa-Vũng Tàu; Hà Nôi – Lào Cai; Hà Nội – Hải Phòng-Hạ Long; Hà Nội –Vinh, TP Hồ Chí Minh-Nha Trang.