Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GTVT đang đếm cua trong lỗ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, tại cuộc họp báo quý III/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có phát ngôn thoạt nghe ai nấy đều mừng rỡ, đó là đến hết năm 2015, tại những khu vực đang ùn tắc do ảnh hưởng của việc thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cơ bản không còn ùn tắc.

Tuy nhiên, khi nhìn vào căn cứ để lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra nhận định trên là dựa vào tiến độ do Tổng thầu EPC (Trung Quốc) - nhà thầu vốn nổi tiếng với việc xin lùi tiến độ và điều chỉnh giá báo cáo… thì người dân lại thấy ngán ngẩm.

Ùn tắc do lỗi của dân

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến tình trạng UTGT tại khu vực triển khai thi công dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Trường cho biết, đây là bài toán hết sức nan giải, cấp bách trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng mà bất cứ đô thị nào cũng phải đối mặt. Đồng thời cho biết, đối với các dự án giao thông tại Hà Nội, khi tổ chức thi công, các đơn vị đã rào chắn để thi công nên tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi. “Quan trọng nhất là phân luồng, nhưng nhiều khi phân luồng thì dân lại không đi” - ông Trường nhấn mạnh.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi cuối tháng 9 vừa qua. 	Ảnh: Phạm Hùng
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc đường ở mức “kỷ lục” trong thời gian qua là do người dân không chịu di chuyển theo những tuyến đã được phân luồng là chưa hợp lý. Bởi, sẽ chẳng có nhiều người muốn “đâm đầu” vào chỗ tắc, trừ trường hợp buộc phải đi qua đó. Và không cần phương án phân luồng, khi đường Nguyễn Trãi thường xuyên xảy ra ùn tắc, các phương tiện sẽ như nước chảy chỗ trũng, chuyển sang di chuyển sang đường Lê Văn Lương, Kim Giang. Tuy nhiên, các tuyến đường này cũng chỉ đáp ứng được một lượng phương tiện nhất định, và khi quá tải, tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra và khiến cả khu vực rơi vào tình trạng ùn tắc cục bộ.

Đó là chưa kể đến việc, các đơn vị thi công tổ chức quây rào chắn nhưng chậm triển khai, hay nói “một cách khoa học” là quây thử nghiệm để tạo thói quen… tắc đường cho người dân. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến trách nhiệm của những đơn vị thi công khi làm hư hỏng mặt đường nhưng “cố thủ” không chịu hoàn trả mặt đường. Thậm chí, biến đường thành hầm nhưng lại không trang bị đầy đủ các hệ thống chiếu sáng, khiến người tham gia giao thông phải căng mắt để tránh những “cái bẫy” trên đường… Thế nhưng, những nguyên nhân đó lại không được lãnh đạo Bộ GTVT đề cập đến.

Lại thêm một lần hứa 

Giải thích về tuyên bố cuối năm 2015, trục Nguyễn Trãi – Hà Đông sẽ hết tắc, ông Trường cho biết, đến cuối năm, tuyến đường này sẽ thông hầm đường bộ Thanh Xuân – Hà Đông. Đồng thời, dự án Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành thi công toàn bộ phần trụ, chỉ còn lại một số vị trí nhà ga nên ùn tắc sẽ giảm. Và cùng với tuyên bố trên, ông Trường cũng cho biết, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ phải kéo dài thêm thời gian thi công: “Về tiến độ dự án, đến thời hạn tháng 6/2016 sẽ hoàn thành xong phần thô bao gồm hệ thống dầm, các nhà ga, sau đó mới tiến hành hoàn thiện. Phần hoàn thiện này sẽ gồm nhiều hạng mục kỹ thuật cũng như trang trí, dự kiến mất thời gian khoảng 3 tháng. Tiếp đó, đến giai đoạn chạy thử khoảng 3 tháng, nên phải cuối năm 2016 mới đưa vào sử dụng được”.

Để dự án không lùi tiến độ thêm một lần nữa, ông Trường cho hay, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt để đạt được tiến độ. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT “quyết liệt” chỉ đạo, thúc tiến độ đối với dự án này. Và đáng buồn thay, sau mỗi lần đó, dự án lại phải điều chỉnh tiến độ và đội vốn. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tuyên bố tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông sẽ hết ùn tắc từ cuối năm nay của Thứ trưởng Bộ GTVT. Và những sự hoài nghi trên càng trở nên có căn cứ khi chính người đại diện Bộ GTVT cho biết, toàn bộ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo Tổng thầu EPC phía Trung Quốc, tuy nhiên những nhà thầu phụ của phía Việt Nam đảm trách, không có bất cứ nhà thầu nào của nước ngoài. Thậm chí, trong số những nhà thầu phụ phía Việt Nam lại không có nhà thầu nào trong ngành GTVT, chủ yếu là các nhà thầu tư nhân, nên việc ký kết hợp đồng giữa Tổng thầu với các nhà thầu phụ bao giờ cũng có những ràng buộc về mặt kinh tế.

Bao giờ hết tắc,  phải hỏi...Tổng thầu

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý I/2016 sẽ vận hành chính thức. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, đội vốn, đến nay, thời điểm hoàn thành dự án đã bị lùi đến cuối năm 2016. Thế nhưng, đây có lẽ cũng chưa phải là hạn chót của dự án này. Bởi, theo thống kê của Bộ GTVT tại thời điểm đầu tháng 8/2015, tiến độ mới đạt 58%, hoàn thành 413/419 trụ cầu, 100% trụ nhà ga đã hoàn thành, lao lắp 442/806 phiến dầm giản đơn, 331/1.216 cọc khoan nhồi… so với hợp đồng đang bị chậm tiến độ… 19 tháng.

Theo ông Triệu Khắc Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), nguyên nhân dẫn đến dự án bị kéo dài, chậm so với hợp đồng là do năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, do bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn nên không thể thay thế. Đối với các dự án EPC, tổng thầu phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng này đã đi sai hướng và mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án.

Ngoài ra, theo hợp đồng, thỏa thuận các bên, phía Việt Nam sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết mà chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án. Tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa vào khai thác và an toàn lao động trên công trường. Bộ GTVT chỉ thực hiện giám sát, đồng thời có những cảnh báo với Tổng thầu về tiến độ, chất lượng công trình. Khi dự án hoàn thành sẽ thuê một đơn vị kiểm định độc lập của nước ngoài vào kiểm định, nếu chất lượng công trình đảm bảo mới cho nghiệm thu.

Và như vậy có thể thấy, câu hỏi bao giờ tuyến Nguyễn Trãi  - Hà Đông hết ùn tắc do thi công dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chỉ có Tổng thầu EPC mới có câu trả lời chính xác chứ không phải Bộ GTVT. Vẫn biết việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị để Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại là xu thế tất yếu. Nhưng cái người dân cần trong giai đoạn hiện nay không phải những lời hứa mà là cách thức Bộ GTVT tổ chức giao thông hợp lý, xử lý nghiêm các nhà thầu quây lô cốt xong để đó gây bức xúc, và cần nhất là người dân hàng ngày không phải đối mặt với cảnh ra ngõ gặp... tắc đường.