Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Dự thảo Bộ luật bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử... Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cân nhắc đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh. Vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, sự tương quan với các nhóm tội khác, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây vận chuyển, tàng trữ ma túy. Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có ý kiến cho rằng, tình hình người chưa thành niên phạm tội hiện nay diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Do vậy, cần cân nhắc theo hai nhóm gồm: người từ đủ 12 tuổi - dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự phải thể hiện được đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nhất là liên quan đến con người. Những quy định sửa đổi của Bộ luật Hình sự phải minh bạch, rõ ràng và đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.