KTĐT - Theo đại diện Trường TC Tây Bắc, phần lớn giáo viên tại các trường TC chưa chuyên nghiệp, ý thức học tập của học sinh còn yếu kém, nên chất lượng đầu ra yếu, điều này dẫn đến các trường TC không thu hút được học sinh.
Trong hội nghị bàn tròn về đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp do Sở GDĐT TPHCM và Báo Giáo Dục TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến tham luận của đại diện các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho rằng, chương trình đào tạo TCCN còn nặng về lý thuyết, giáo viên thiếu và yếu, dẫn đến đầu ra không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
40% số học sinh bỏ học
Theo đại diện Trường TC Tây Bắc, phần lớn giáo viên tại các trường TC chưa chuyên nghiệp, ý thức học tập của học sinh còn yếu kém, nên chất lượng đầu ra yếu, điều này dẫn đến các trường TC không thu hút được học sinh.
Ông Bùi Ngọc Oánh - Hiệu trưởng Trường TC kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á - lại cho rằng, chương trình đào tạo TCCN hiện nay chưa rõ ràng. Giáo trình chủ yếu thiên về lý thuyết và chưa chú trọng thực hành. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và DN còn chưa được quan tâm, giáo viên phải dạy đuổi, dạy chạy mới kịp chương trình.
Còn theo ông Đỗ Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, hình thức đào tạo lớp 9 + 3,5 năm lấy bằng TCCN chưa an tâm và không ổn. Học sinh tốt nghiệp THPT (THPT + 2 năm) theo chương trình còn không kịp, còn phải học đuổi, ít được thực hành. Giáo trình đào tạo (9 + 3,5) lại quá cũ và phức tạp, trong khi đa phần học sinh theo học có trình độ trung bình trở xuống. Điều này dẫn đến gần 40% số học sinh bỏ học nửa chừng.
Ông Nguyễn Đình Minh - Hiệu phó Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn - nhận định, đội ngũ giáo viên hiện nay tại các trường TCCN đang thiếu và yếu, nhất là ngành CNTT. Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Minh là do lương giáo viên thấp và không được nâng cao trình độ thường xuyên. Nguyên nhân thứ hai, giáo viên giỏi bỏ trường ra làm việc tại các DN hay chuyển đến các trường ĐH.
Tăng thực hành
Theo ông Nguyễn Thanh Ký - Trường CĐ Kinh tế TPHCM, để nâng cao chất lượng giáo viên, phải tạo điều kiện cho giáo viên được đi học tập nâng cao trình độ trong nước và nước ngoài. Ông Đỗ Hữu Khoa - Chủ tịch HĐQT Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn - lại đề cập đến việc các bậc phụ huynh không muốn cho con em học TC, dẫn đến khó tuyển sinh.
Để thu hút được học sinh, các trường TC phải nhanh chóng đổi mới, từng bước xóa bỏ phương pháp đào tạo theo truyền thống chủ yếu học lý thuyết, người học phải được tiếp cận với thực tập, thực hành ngay từ năm thứ nhất.
Ông Oánh đồng ý với quan điểm này và góp thêm ý kiến, các trường cần phải nhận rõ thế mạnh của mình, phải cho phụ huynh và học sinh thấy và hiểu được cái lợi của học hệ TC. Đó là học TC có thời gian thực tập, thực hành nhiều. Ngoài ra còn có thể vừa đi làm kiếm tiền và vừa đi học liên thông để có bằng cấp cao hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, trường gắn kết được với DN, học sinh sẽ được tiếp cận thực tế và thực tập tại nhà máy.