Anh Lê Văn Hoàng, một phụ huynh ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định), kể một cách hài hước: "Nghe con trai về nói nộp đuôi chuột, tôi không tìm đâu ra chuột đồng nên canh mấy ngày mới bẫy được 2 con chuột xạ, chặt lấy đuôi đưa con trai. Biết chuyện, ai cũng cười chọc tôi nộp đuôi chuột… giả, vì mục đích phát động phong trào là giết chuột đồng phá hoại mùa màng". Tìm được đuôi chuột xạ như anh Hoàng đã may, một số phụ huynh ở TP.Quy Nhơn lo lắng vì không tìm được đuôi chuột nào. Chị Lê Thị Hoa kể: "Con trai học lớp 10 nên phải nộp đến 3 đuôi. Gia đình tôi hết mua bẫy đến keo dính chuột nhưng chưa bắt được con nào". Việc Sở GD&ĐT phát động phong trào diệt chuột trong các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh từ ngày 15.11 đến 15.12 với chỉ tiêu 2 đuôi chuột/học sinh THCS và 3 đuôi chuột/học sinh THPT là do Sở NN-PTNT đề nghị phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Văn bản số 4689/UBND-TH ngày 12.11.2013 về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất Đông Xuân 2013-2014, trong đó phát động phong trào ra quân diệt chuột trước khi bước vào vụ). Căn cứ vào đó, ngày 15.11, Sở GD&ĐT đã ra công văn phát động; đồng thời đề nghị khi kết thúc phong trào, các trường phải báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở chậm nhất ngày 20.12 để sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Một số trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm và cũng là vụ mà cây trồng bị thiệt hại do chuột nhiều nhất. Vì thế, vài năm gần đây, nhiều địa phương đã phát động phong trào diệt chuột trong học sinh. Thực tế cho thấy, học sinh cùng thanh niên và người dân ở các xã đã tích cực lùng sục các hang ổ tìm diệt chuột, góp phần đáng kể giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra. Chị Nguyễn Thị Sen, một phụ huynh ở TP.Quy Nhơn, cho rằng: "Ở các vùng nông thôn, có nhiều chuột đồng phá hoại, việc kêu gọi học sinh tham gia diệt chuột là hoạt động rất ý nghĩa. Bởi lực lượng học sinh khá đông đảo và các em cũng cần góp một một chút công sức bảo vệ sản xuất của gia đình và địa phương. Vấn đề là không nên đổ đồng trên địa bàn toàn tỉnh". Thời gian gần đây, việc một số sở, ngành đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp triển khai hoạt động trong trường học như tuyên truyền an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe giới tính… đã mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, cũng có những hoạt động không thật cần thiết, trong khi thầy-trò các trường đang chịu nhiều áp lực từ chương trình dạy- học. Do đó, cần cân nhắc để tránh tình trạng vấn đề nổi cộm nào của xã hội cũng đưa vào nhà trường để giáo dục học sinh.