Bộ Ngoại giao lên tiếng về thông tin lao động nữ Việt Nam bị bạo hành ở Ả Rập Xê út

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em như việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan.

Đầu tháng 11/2021, báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả-rập Xê út làm người giúp việc.
Phản hồi lại thông tin này tại buổi họp báo thường kỳ ngày 18/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao (BNG) và Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ả Rập Xê út đã nhận được một số phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây.
 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. 
Ngay sau khi nhận được thông tin, ĐSQ Việt Nam tại Ả Rập Xê út đã chủ động liên hệ các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
ĐSQ Việt Nam và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê út cũng phối hợp với công ty phái cử lao động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm những tranh chấp với chủ sử dụng lao động, nhằm bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam.
"Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đăng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ cũng như nam giới tham gia bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước", bà Hằng cho biết thêm. 
Thời gian qua Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em như việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như bộ luật lao động năm 2012, luật trẻ em năm 2016.  Việt Nam cũng gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử lao động trẻ em vào lao động cưỡng bức.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của LHQ về trẻ em, bà Hằng nhấn mạnh. 
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, giữ liên lạc với các lao động Việt Nam, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sinh sống làm việc và lao động tại nước ngoài, sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đặc biệt là cho lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BNG và ĐSQ Việt Nam tại Ả Rập Xê út đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức nhiều chuyến bay. "Cho đến nay đã đưa khoảng 800 công dân Việt Nam về nước an toàn", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin.
Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tổ chức thêm các chuyến bay đưa các công dân có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu về nước, phù hợp với nguyện vọng công dân, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và năng lực cách ly của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần