KTĐT - Công ty Hòa phải làm việc đến hết ngày 28 Tết. Tuy nhiên, những buổi tụ tập cuối năm khiến năng suất làm việc của anh giảm hẳn. Cứ đến cơ quan là anh ngáp ngắn ngáp dài.
Sáng làm, chiều làm, trưa và tối ăn tiệc. Suốt mấy ngày nay, anh Trịnh Văn Tú kiệt sức vì quay cuồng với cái “lịch lao động” kín mít này.
“Mẹ tôi vẫn phàn nàn là hôm nay tất niên, mai lại tất niên thì còn có ý nghĩa gì nữa. Khổ quá, nào phải ăn tất niên nhiều lần đâu, mà mỗi lần một đội khác nhau, nào bạn đại học, hội đánh bi-a, nhóm đối tác thân thiết, với cơ quan thì có cơ quan cũ, cơ quan mới…”, Tú nói.
Các quý ông bị rượu “vật”
Tú 34 tuổi, làm việc cho một công ty ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Anh cho biết, riêng hôm nay phải dự đến hai buổi tiệc tất niên và từ giờ đến 30 tết còn vô khối bữa như vậy.
Tiệc của đàn ông tất nhiên phải có bia rượu và phải uống tràn cung mây. Tú tửu lượng khá, hiếm khi bị bạn bè “đập chết” trong chiếu rượu, nhưng anh có tật xấu là đã uống thì không ăn. Ngày này qua ngày khác, cái dạ dày của anh thay vì tiêu hóa cơm canh thì lại được tẩm ướp bằng rượu. “Khổ lắm chứ sung sướng gì đâu, năm ngoái cũng dịp này, mình chảy máu dạ dày phải cấp cứu, kiêng mấy tháng mới dám uống lại. Năm nay, chưa thấy gì, nhưng hôm nào cũng tiệc tùng, mệt chết người”, Tú than. Miệng nói vậy nhưng anh vẫn rất hào hứng và không bao giờ từ chối khi có người gọi đi ăn tất niên.
Khác với Tú, anh Phan Văn Hòa (Từ Liêm, Hà Nội) không chỉ nhiệt tình uống, mà còn nhiệt tình ăn trong các bữa tiệc tất niên liên miên. Mặt chưa hết phừng phừng sau cuộc nhậu ban trưa, anh đã lại lao xe đến bữa tiệc buổi chiều, rồi khuya lại chuyển sang quán khác với một nhóm khác, có khi 2h sáng mới về hoặc ngủ luôn nhà bạn. Mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ và vì bia rượu, Hòa vỗ bồm bộp vào cái bụng mỡ màng: “Lại phình ra thêm một chút rồi”.
Công ty Hòa phải làm việc đến hết ngày 28 Tết. Tuy nhiên, những buổi tụ tập cuối năm khiến năng suất làm việc của anh giảm hẳn. Cứ đến cơ quan là anh ngáp ngắn ngáp dài. Thời gian dành cho vợ con chỉ còn lại chút xíu và trong giai đoạn này, Hòa đành tạm ngừng việc “phục vụ” bà xã về chuyện “chăn gối” vì toàn bộ sinh lực đã trút hết vào bàn tiệc.
Phụ nữ cũng "lử" vì tất niên
Không nhậu nhẹt triền miên như các quý ông nhưng nhiều phụ nữ cũng đi ăn tất niên không chỉ một lần. Sáng nay, Mai Hoa, cô nhân viên 26 tuổi của một công ty truyền thông ở Hà Nội, đến cơ quan với nước da tái mét, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi. Đêm qua cô về lúc gần nửa đêm, chưa kịp cởi giày đã lao ngay vào toilet nôn một chập, rồi cố lê vào giường nằm vật ra. “Em phải nôn đến ba bốn lần, sau đó thì cả đêm khát nước như điên như dại, uống rồi lại khát, không ra ngủ cũng không ra thức, kinh khủng thật”, Hoa kể.
Trưa nay, tuy vẫn còn mệt nhoài, cô vẫn không từ chối nổi một bữa nhậu của đối tác. “Em làm nghề này, cần nhất là giữ quan hệ. May em cũng thuộc loại biết uống mà còn oải như vậy, không thì chết mất”, Hoa nói.
Còn chị Lê Kim, 30 tuổi, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội, không hề uống rượu, cũng không phải miễn cưỡng tham gia bữa tiệc nào, thế mà vẫn cảm thấy kiệt sức vì chuyện ăn tất niên. “Cũng chỉ đi ăn với cơ quan, với mấy cô bạn thân và đi cùng mấy hội của chồng thôi, nhưng với người phụ nữ bận rộn như tôi thì cũng là quá sức”, Kim nói. Công việc của chị ở cơ quan khá căng thẳng, 8 tiếng vàng ngọc mỗi ngày không đủ để giải quyết nên nhiều khi phải ôm việc về nhà. Những ngày cuối năm, công việc càng nhiều, trong khi chị vẫn phải cáng đáng việc nhà, kèm con học… Vì thế, những bữa tiệc cuối năm lấy đi hết quỹ thời gian ít ỏi dành cho nghỉ ngơi của chị. Kim cảm thấy mình sắp ốm đến nơi.
Đừng để chết vì “sung sướng”
Ăn nhậu dĩ nhiên là thú vui, thế nhưng nó cũng là thủ phạm gây những chuyện buồn khi cơ thể kiệt quệ. Theo bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Bệnh viện Hà Thành, Hà Nội, sự không điều độ ở bất cứ mặt gì cũng không tốt và trong chuyện ăn uống cũng vậy. Việc ăn nhiều, ăn liên tục các món giàu chất đạm, chất béo sẽ khiến dinh dưỡng mất cân bằng, gây nhiều hệ lụy về sức khỏe, nhất là với những người vốn thừa cân hay có bệnh cao huyết áp, gút, mỡ máu…
Ngoài việc nạp quá nhiều năng lượng, tiệc tùng liên miên trong giai đoạn vẫn phải làm việc khiến bạn không còn thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ cũng giảm cả về lượng và chất, cơ thể quá tải, từ đó giảm sức chống đỡ với bệnh tật. Đó là chưa kể tác hại của rượu bia, thứ luôn tràn ngập trong các bữa tất niên.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), việc uống quá nhiều rượu cùng lúc rất dễ dẫn đến ngộ độc, gây tổn thương não không hồi phục, để lại di chứng lâu dài như liệt, mất trí. Có những trường hợp tử vong do chất cồn gây ngừng thở, ngừng tim, hạ đường huyết. Thực tế điều trị ở Trung tâm Chống độc cho thấy, số bệnh nhân ngộ độc rượu thường tăng cao xung quanh dịp Tết.
Để ăn Tết vui khỏe, các chuyên gia khuyên nên điều độ trong cả công việc lẫn sinh hoạt, ăn uống. Nhất là trong giai đoạn giáp Tết, khi công việc bộn bề, mọi người càng nên điều tiết lịch sinh hoạt của mình để cơ thể không phải làm việc quá sức.