Bỏ qua lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến kế hoạch mua thêm “rồng lửa” S-400

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Ismail Demir - người đứng đầu Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara không nhận thấy bất kỳ hậu quả nào từ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc đặt mua hệ thống phòng không S-400.

Giám đốc Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Demir hôm 3/3 cho biết, Ankara đang xúc tiến hợp đồng đặt mua thêm hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất, bất chấp sức ép của Mỹ. "Chúng tôi đang bàn thảo về hợp đồng đặt mua hệ thống phòng không S-400 thứ hai với phía Nga" - ông Demir thông báo trong cuộc phỏng vấn với kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Theo ông Demir, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực củng cố các lực lượng vũ trang bằng cách phát triển các hệ thống phòng không.
Trước đó, hôm 11/1 vừa qua, người đứng đầu Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các hệ thống phòng không S-400 đầu tiên được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Ông Demir lưu ý thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy bất kỳ hậu quả nào từ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Hồi năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về “rồng lửa” S-400.
Theo tinh thần của bản thỏa thuận, Ankara sẽ nhận được 2 tiểu đoàn S-400 do phía Nga bàn giao. Ngoài ra, Nga cũng có nghĩa vụ chuyển giao từng phần công nghệ sản xuất thiết bị tên lửa phòng không tối tân này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên đầu tiên trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Việc bàn giao các bệ phóng S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được Nga khởi động từ ngày 12/7/2019 và Thổ Nhĩ Kỳ từng dự kiến sẽ đưa các thiết bị này vào hoạt động trong tháng 4/2020. Dù việc kích hoạt các hệ thống S-400 đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Ankara đã tỏ rõ quyết tâm sẽ thực hiện kế hoạch này đến cùng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm sở hữu các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga đã trở thành nguồn cơn gây sóng gió trong quan hệ giữa nước này với Mỹ và nhiều nước thành viên trong khối NATO.
Cũng vì lý do này, Mỹ đã loại Ankara khỏi danh sách các nước tham gia chương trình phát triển máy bay ném bom F-35 thế hệ thứ 5, tạm dừng đơn đặt hàng 100 máy bay phản lực thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ và khởi động các thủ tục cần thiết để áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ theo một đạo luật năm 2017 – vốn được đưa ra để ngăn cản các nước giao dịch vũ khí với Nga.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/12/2020 liên quan đến việc nước này mua lại một hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
S-400 Triumf là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất thế giới, đã được đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2007. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt tất cả các vật bay phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 7 km/s./.