Theo quy định của dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 8/2014 thì cả Việt kiều và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được sở hữu nhà ở. Cụ thể, dự thảo Luật nhà ở quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu.
Theo dự thảo Luật nhà ở mới nhất quy định người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đã được loại bỏ.
|
Tuy nhiên, trong sáng nay khi thảo luận về Luật nhà ở sửa đổi, quy định này đã không còn trong dự thảo Luật nhà ở sửa đổi được các đại biểu quốc hội chuyên trách bàn thảo.
Thay vào đó, quy định mới dự thảo luật có thêm quy định: đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài.
Đồng thời chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngay từ khi dự thảo Luật nhà ở sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến , khi bàn tới việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhiều ý thống nhất nên mở rộng, nhưng biên độ mở tới mức nào thì gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc mở cửa tối đa như trước đấy dự thảo quy định người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà thì “thoáng quá” sẽ dẫn tới hệ lụy rất khó quản lý về an ninh quốc phòng, đầu cơ trục lợi…
Cụ thể, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm tỏ rõ lo ngại khi nói rằng: “Những người có nhiều tiền sẽ mua số lượng lớn thì sao? Mục đích của ta là giải quyết chỗ ở cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng quy định thế này thì nhà đầu tư có thể trục lợi trên thị trường. Đồng ý là luật phải mở, nhưng cần có chế tài quản lý'.