Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Tài chính nói gì trước lời "kêu cứu" của Vinaxuki?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những đề nghị nhằm tháo gỡ khó khăn của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), Bộ Tài chính khẳng định các chính sách thuế hiện tại đã hỗ trợ được cho các DN sản xuất ô tô trong nước.

Trong vài năm trở lại đây, việc ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Vinaxuki thường xuyên kêu cứu đến các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, thậm chí là lên tới cả Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh rõ tình trạng khó khăn của DN này nói riêng và các DN trong nước khác đang tham gia ngành sản xuất ô tô.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra quan điểm về trường hợp Vinaxuki, qua đó cũng là câu trả lời chung cho các DN sản xuất ô tô trong nước.
Nguy cơ phá sản ngày càng rõ nét với Vinaxuki
Một dòng xe của Vinaxuki bị "đắp chiếu".
Phía Bộ Tài chính cho biết, trong những năm trở lại đây Bộ đã nhiều lần trả lời các kiến nghị về tình trạng khó khăn của Vinaxuki. Dự án sản xuất ô tô trong nước của DN này thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 75. Chính vì vậy, Vinaxuki cần chủ động liên hệ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để xem xét vay vốn.

Đối với chính sách thuế nhập khẩu ô tô tải, một trong những chủng loại xe chính được Vinaxuki sản xuất, Bộ Tài chính cho biết mức thuế này sẽ được cắt giảm theo đúng lộ trình cam kết WTO và cam kết ASEAN-Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN trong nước, kể từ tháng 11/2015, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu ưu đãi của xe tải nguyên chiếc dưới 45 tấn lên bằng với mức trần cam kết (25% - 70%). Mức thuế nhập khẩu một số loại xe tải chuyên dùng như: Xe tải đông lạnh, xe thu gom phế thải ... cũng được tăng từ 15% lên 20%.

Chính sách thuế nhập khẩu hiện tại đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước trong đó có Vinaxuki, Bộ Tài chính khẳng định.

Vinaxuki là hình mẫu DN tiêu biểu theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô "thương hiệu Việt". Tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn nên tới hết năm 2014, DN này đã có tổng số nợ lên tới hơn 1.600 tỷ đồng, hơn 17 tỷ đồng tiền thuế và gần 10 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đáng chú ý, trong năm 2015, DN này đã phải bán nhà máy của mình ở Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng đã liên tục từ chối cho Vinaxuki vay vốn do lo ngại khả năng hoàn trả của DN này. Vinaxuki cũng đã từng đề nghị việc này lên Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng không có kết quả.