Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trương Thị Ánh (TPHCM) cùng đặt vấn đề: Trong báo cáo của Chính phủ vừa qua có nêu cả nước có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, điều đó đúng không? Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này và Bộ trưởng đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành phố Hải phòng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ việc tinh giảm công chức không nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí, số lượng cán bộ ngày càng “phình” ra. Đại biểu Vinh muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ trách nhiệm của mình và hướng giải quyết vấn đề này thời gian tới. Trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích: "Trong cuộc họp tổng kết ngành nội vụ của năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có dư luận cho rằng có mấy mươi phần trăm đó là như thế nào. Đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng". Còn về quan điểm của Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ xem xét tập hợp lại song chúng tôi cho rằng đây là những phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới cải cách công vụ công chức nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói. Bộ trưởng Bình cho biết, ý thức được điều đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức. Năm 2012, Thủ tướng ban hành Quyết định 1557 phê duyệt đề án về cải cách công vụ công chức từ nay đến năm 2015. Phần đánh giá về cán bộ công chức viên chức thời gian qua đã được phân cấp cho các ngành, các địa phương. “Đứng về quản lý nhà nước, ngành nội vụ cũng có trách nhiệm"- Bộ trưởng Bình nói. Dành nhiều thời gian để giải trình các vấn đề của đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng phải có giải pháp tương đối đồng bộ để tổ chức thực hiện, mới có thể tìm được tiếng nói chung về đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. “Để đảm bảo đánh giá, chúng ta phải từng bước hoàn thiện bổ sung tiêu chí để đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng năm và phương pháp đánh giá. Trên cơ sở đó thực hiện từ trung ương đến địa phương với sự tham gia cả cả hệ thống chính trị, trong đó, cần phải có sự vào cuộc của các tổ chức, đặc biệt có vai trò của người đứng đầu để từ đó có thể tìm ra được thực trạng mà các đại biểu đã nêu”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói. Vấn đề tham nhũng trong chính đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ và nạn "chạy chức chạy quyền" cũng được các đại biểu đặt ra, chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho nông nghiệp- nông thôn Trước đó, đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tiếp tục trả lời một số câu hỏi của đại biểu đề liên quan đến giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu cho nông sản để nâng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... Trả lời vấn đề về thời điểm ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn chính sách hỗ trợ thực hành nông nghiệp tốt cho những sản phẩm đủ điều kiện, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, thông tư này đã được hoàn chỉnh, hiện đang trong giai đoạn luân chuyển để ký ban hành. Về vệc nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, tạo ra giá trị cao hơn trong xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, điều kiện sản xuất lúa gạo ở mỗi nước khác nhau nhưng con đường mà ngành lúa gạo Việt Nam phải đi theo là: Chọn, tạo, sử dụng những giống có chất lượng và giá trị thương phẩm cao hơn. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo điều chỉnh lại các chương trình nghiên cứu chọn, tạo giống lúa, sớm có những giống chất lượng cao như mong đợi, có giá trị thương phẩm cao đạt từ trên 500 USD, trên 800 USD trở lên và đảm bảo trồng ổn định lâu dài Liên quan đến việc nông dân bỏ đất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này chủ yếu do hiệu quả trồng trọt chứ không phải do chính sách đất đai. Việc nông dân bỏ ruộng không gieo trồng và trả ruộng là hai khái niệm khác nhau. Theo thống kê, có gần 43.000 hộ không gieo trồng trên diện tích 6.880ha và 3.400 hộ trả 433ha. “Việc nông dân không gieo trồng có nhiều lý do, nhưng cũng có lý do về tự nhiên là việc gieo trồng không có lợi; thiếu lao động hoặc lao động đi làm việc khác thì có lợi hơn. Còn nông dân trả ruộng thì có lý do là một số địa phương tính theo đầu sào để thu mức đóng góp làm các công trình địa phương. Tôi đề nghị các địa phương cần chấn chỉnh việc thu và sử dụng phí đóng góp của nhân dân cho đúng với các quy định của pháp luật”, Bộ trưởng nói. Tham gia làm rõ thêm nội dung về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông dân, nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến nay, hệ thống ngân hàng đã cho người nghèo vay 118.000 tỷ đồng và trung bình mỗi năm dư nợ tín dụng cho người nghèo vay đều tăng 7-10%. Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ giúp nông dân đã thoát nghèo thoát nghèo bền vững. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cơ chế tín dụng để thời gian tới tạo ra sự liên kết giữa các nhà, các hộ nông dân trong các doanh nghiệp, hợp tác xã mới, có cơ chế bảo lãnh cho ngành nông nghiệp, đưa lĩnh vực áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vào diện ưu đãi vay vốn; sửa đổi chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch… Tiếp lời Thống đốc Ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Ngành ngân hàng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn song tôi rất lo lắng về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giảm, đồng thời cũng có lý do quan trọng là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng giảm. Theo tinh thần nghị quyết Trung ương về Tam nông thì đầu tư cho lĩnh vực này năm sau phải cao hơn năm trước và 5 năm phải tăng gấp đôi, có nghĩa tăng trưởng mỗi năm phải 20%”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước và các ngành cần báo cáo Thủ tướng xem đầu tư cho nông nghiệp nông thôn có đúng nhưng trong thảo luận không bởi "nếu theo yêu cầu, đầu tư mỗi năm phải 20% để đảm bảo cho 5 năm tăng trưởng được gấp đôi, nên phải rà lại...".