Trước những truy vấn liên tiếp về nợ công tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Tỷ lệ nợ công so với GDP trong những năm gần đây thay đổi không nhiều và vẫn còn nằm trong ngưỡng an toàn, dưới 65% GDP.
Dành khoảng 20% tổng thu ngân sách để trả nợ
Trả lời các ĐB Quốc hội (QH) về tình hình nợ công và khả năng cân đối nợ công, liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao có đủ khả năng trả nợ, giải pháp nào? Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, lần lượt qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%. Nợ công hiện ở dưới mức theo Nghị quyết của Quốc hội là 65%. Tính toán trên theo Bộ trưởng đã bao gồm phần bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp vay. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
|
Theo Bộ trưởng, đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Thời gian tới Bộ cũng sẽ tiếp tục đánh giá, giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước - đó là vấn đề đại sự để phòng ngừa tối đa, chống lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả.
Liên quan đến khoản nợ hiện nay của hai tập đoàn Vinashin và Vinalines, Chính phủ có phải đứng ra để trả nợ thay cho hai tập đoàn này hay không? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: "Bài học từ nhiều quốc gia, kể cả quốc gia phát triển thì khi cần thiết Chính phủ cũng can thiệp vào tài chính của các doanh nghiệp lớn, như tại Anh, Mỹ thì Chính phủ cũng can thiệp vào khi cần thiết". Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi số nợ của công ty mẹ Tập đoàn Vinashin và 8 công ty con. Số liệu nợ cũng đã được đối chiếu, rà soát kỹ lưỡng, kết quả là giảm 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.
Sẽ sớm thay đổi cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu
Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như điện, điều hành giá xăng dầu, giá thuốc... được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nhắc lại việc sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là một trong các vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Tài chính, Công Thương còn "nợ" ĐB và cử tri và đặt câu hỏi giá xăng dầu, điện thời gian qua nhập nhằng, thiếu minh bạch có biểu hiện về nhóm lợi ích?Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, một năm gần đây, việc điều hành giá xăng dầu cơ bản theo thị trường, hiện nay, người dân đã quen với giá xăng dầu lên xuống. Từ khi áp dụng theo Nghị định 84 đã tránh gây cú sốc về giá cả, tránh được lạm phát. Liên quan đến Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được yêu cầu trả lời bổ sung đã nhận trách nhiệm về việc chậm ban hành Nghị định này và hứa sẽ kết hợp với Bộ Tài chính sửa đổi lần cuối Nghị định này và trong thời gian ngắn sẽ được ban hành.
Về việc chuyển việc điều hành giá sang Bộ Công Thương chủ trì, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây cũng là điều bình thường bởi theo Luật giá, bộ hoặc cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá trong lĩnh vực mình quản lý (việc này cũng tương tự như trong quản lý giá điện, giá thuốc hiện nay). Tuy nhiên, Bộ Công Thương chủ trì nhưng vẫn phối hợp với Bộ Tài chính trong điều hành giá. Hơn nữa, việc điều hành giá phải theo đúng Nghị định mới đã được quy định rất chặt chẽ.
Về giá điện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ có giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát lại chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện. Riêng chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà chung cư... mà EVN cho các hộ gia đình người lao động tại nhà máy điện thuê để sử dụng thì không được hạch toán đưa vào chi phí kinh doanh điện.
Doanh nghiệp trốn thuế gây thất thu ngân sách
Trả lời chất vấn của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, có nguyên nhân về cơ chế phối hợp giữa người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương, nếu có việc phối hợp chặt chẽ như việc phối hợp giữa Bộ Tài chính với Bộ GTVT thì tiến độ cổ phần hóa rất nhanh.
Cũng tại buổi chất vấn, nhiều ĐB đề cập báo cáo thu chi ngân sách vừa qua nêu rõ khả năng hụt thu khoảng 25,2 ngàn tỷ đồng, nhưng kết quả thu năm 2013 lại vượt 6.000 tỷ đồng so với dự toán và tăng 31,2 ngàn tỷ đồng so với báo cáo trước Quốc hội. Đây là thành tích hay thiếu sót? Nguyên nhân và giải pháp để xây dựng dự toán thu sát với thực tế. Công tác quản lý thu thuế hiện nay còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho ngân sách. Tình trạng nợ đọng thuế, chuyển giá còn lớn... Những thắc mắc này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời trong phần chất vấn tiếp theo ngày hôm nay, 11/6.
Ý kiến cử tri
Thống nhất đầu mối thông tin và quản lý nợ công
Mặc dù nợ công hiện ở dưới mức theo Nghị quyết của Quốc hội là 65% nhưng nợ công của Việt Nam đã tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế so với khả năng trả nợ. Để hạn chế nợ công, cần cơ chế công khai, minh bạch và thống nhất một đầu mối thông tin và quản lý nợ công từ T.Ư tới địa phương. Ngoài ra, cần thúc đẩy tái cơ cấu nợ theo huớng giảm dần nợ nước ngoài và tăng nợ trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ; phát triển thị trường mua - bán nợ công có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của Nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Cần quy rõ trách nhiệm cá nhân
Việc không quy rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong thời gian qua là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng các dự án đầu tư sai, kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Việc ban hành Luật Đầu tư công giúp bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Theo ý kiến cá nhân của tôi, việc Dự thảo luật đổi mới quy chế phân cấp quản lý đầu tư công, phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công cũng là một bước tiến của Dự thảo Luật Đầu tư công nhằm quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm.
Bà Phạm Thị Cải (Số14 ngõ 138 Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội)
Chưa rõ ràng trong điều hành giá xăng, giá điện
Tôi thấy phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng liên quan đến điều hành giá xăng, giá điện dù đã làm rõ một số vấn đề nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Bởi trong nhiều năm qua, ngành điện và kinh doanh xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Mỗi lần tăng giá, các doanh nghiệp đều đồng thanh kêu gặp khó khăn, lỗ vốn, trong khi thu nhập của các đơn vị này so với mặt bằng chung là tương đối cao. Vậy khó khăn ở đâu, lỗ ở đâu, đề nghị Bộ trưởng phải phân tích cụ thể hơn để người dân hiểu rõ.
Ông Nguyễn Thanh Nam (Tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
|