Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Cần nghiên cứu thêm về công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản với điều kiện ở Việt Nam

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa 30/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đi khảo sát thực tế công nghệ làm sạch sông, hồ bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản tại Hồ Tây, Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với chuyên gia Nhật Bản tại buổi khảo sát.
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Tiến sĩ Tadashi Yamamura - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản cho biết, công nghệ Nano-Bioreactor sẽ giúp kích hoạt các vi sinh vật có ích trong nước, gây ức chế và làm giảm số lượng các vi sinh vật, các chất hữu cơ gây ô nhiễm trong nước, giống như nhà máy xử lý nước thải ở lòng sông, hồ và đặc biệt, công nghệ này đã được áp dụng để xử lý nước của nhiều con kênh ở Nhật Bản và đã được giấy chứng nhận của Chính phủ Nhật bản.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao và bày tỏ sự tin tưởng về công nghệ làm sạch sông hồ bằng Nano-Bioreactor vì đã được Chính phủ Nhật Bản cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, ông cho rằng, ở Nhật Bản các nguồn thải đã được phân tại nguồn cho nên việc xử lý ô nhiễm từ kênh, sông sẽ đơn giản hơn vì hầu như là chất thải hữu cơ.
Trong khi đó, tại Việt Nam lại chưa làm được việc này, vì sông, hồ phần lớn có đặc tính hở nên cũng là nơi chứa nguồn thải chính. Vì vậy, nước thải trong sông, hồ ở Việt Nam không chỉ có chất hữu cơ mà có thể có cả chất thải vô cơ - khó phân hủy. “Nếu  trong sông hồ có cả chất thải vô cơ thì công nghệ này có xử lý được không?” - Bộ trưởng Bộ TN&MT đặt câu hỏi.
Về vấn đề này,  ông Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ Nano-Bioreactor đặt ra với các chất hữu cơ - gây mùi ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân xung quanh, còn các chất thải vô cơ thì lại phải dùng thêm các chất xử lý khác (nghĩa là thêm công nghệ khác ngoài Nano-Bioreactor - PV). “Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu phương án  tối ưu cho vấn đề này” - chuyên gia Nhật Bản chia sẻ.

Tại  buổi khảo sát, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ sự quan tâm về giá thành của sản phẩm, bởi lẽ điều kiện kinh tế của Việt Nam khác Nhật Bản nên bài toán kinh tế cũng là vấn đề không thể xem nhẹ.
“Hiện các chuyên gia Nhật Bản đang định lượng giá thành theo m3 - tức theo cách tính đối với ở nước Nhật. Nếu áp dụng cách tính này ở Việt Nam thì  rất khó định lượng vì sông, hồ Việt Nam là hở, các nguồn thải liên tục xả trực tiếp. Nếu tính giá thành theo km thì dễ định lượng về chi phí đầu tư hơn” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định và cho rằng, công nghệ Nano-Bioreactor rất phù hợp xử lý ô nhiễm từ các chất hữu cơ gây mùi ở hồ kín. Vì vậy trước mắt cũng cần xem xét và nghiên cứu kỹ thêm, nếu phù hợp có thể áp dụng thực hiện đối với những hồ kín, hồ “chết” đang ô nhiễm nặng để đảm bảo môi trường sống cho người dân khu vực. Không chỉ triển khai ở Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
“Tuy nhiên, về cơ bản, để giải quyết ô nhiễm sông, hồ, kênh, rạch thì chúng ta vẫn cần triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa thực hiện bổ cập nước sông hồ, vừa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, vừa xử lý ô nhiễm lòng hồ bằng công nghệ như công nghệ Nano-Bioreactor” - Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh. 
Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.
Thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, công nghệ này cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt về mùi chứ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của ô nhiễm sông, hồ. Và Hà Nội cũng đã từng triển khai xử lý làm sạch sông, hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, theo các chuyên gia, đến nay, việc xử lý này đều mang lại kết quả tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần