Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp cuộc sống của người dân

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn tỉnh Gia Lai) về việc cử tri phản ánh tình trạng quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ, làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc xã hội và rất nhiều người dân chưa được cấp quyền sở hữu nhà, căn hộ, quyền sử dụng đất tại dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch treo được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm và không thực hiện được toàn bộ hoặc một số nội dung quy hoạch hoặc không thực hiện được một số dự án, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ đã được xác định trong quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp cuộc sống của người dân - Ảnh 1
Bộ trường Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp cuộc sống của người dân, thể hiện chủ yếu ở hai mặt, ảnh hưởng đến việc làm, sinh kế và xây dựng, cải tạo nhà ở của người dân. Đồng thời, làm giảm hiệu quả chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có nhiều nguyên nhân, trong đó một số nguyên nhân chủ yếu là chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, xác định một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác, không lập đầy đủ các loại quy hoạch liên quan theo quy định, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy hoạch chi tiết 1/500; không xác định đủ các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn lực đầu tư để thực hiện đồng bộ các dự án trong việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, nhất là việc công khai quy hoạch xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch không kịp thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch.
Một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán đầy đủ, chính xác các yếu tố nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch. Năng lực của một số chủ đầu tư yếu kém, không thực hiện được dự án được giao.
Về giải pháp để giải quyết, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi trả lời chất vấn tại Quốc hội và sau khi Quốc hội có Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 1/3/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn cốt lõi như Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn về nhà ở, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đủ để phục vụ cho công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng.
Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành việc xây dựng Cổng thông tin quy hoạch quốc gia theo Nghị quyết số 83 của Quốc hội. Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 đã có một số quy định về bảo đảm sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch, quy định một số nội dung, trình tự, việc lập, điều chỉnh quy hoạch, bãi bỏ một số kế hoạch xây dựng không phù hợp, bãi bỏ giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch.
Trong đó, để bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo trong vấn đề nhà ở, trong Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định, nếu như kế hoạch sử dụng cấp huyện đã được công bố 3 năm sau không thực hiện thì người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn để cải tạo, thậm chí xây mới nhà ở có thời hạn ghi trong giấy phép cụ thể. Nếu hết thời hạn này quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp về cải tạo và xây dựng mới nhà ở.
“Chúng tôi nghĩ đây là quyết định bước đầu đã giải quyết được một phần về yêu cầu về cải tạo, xây dựng nhà ở của người dân trong vùng quy hoạch treo”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Các địa phương đã tích cực hơn trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo tính toán sơ bộ, TP Hồ Chí Minh đã rà soát trên 250 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thu hồi 176 dự án treo; TP Hà Nội đã rà soát 78 quy hạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết… Tình trạng treo đã được giải quyết. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận, đây là kết quả bước đầu cần phải có thêm thời gian vì vấn đề quy hoạch là vấn đề rất lớn.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp căn cơ hơn sau:
Một là, các địa phương cần có lộ trình cụ thể để rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch theo quy định để có sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, tránh việc quy hoạch điều chỉnh tùy tiện và quy hoạch treo. Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm phải bố trí đủ nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng. Điều chỉnh, bổ sung kịp thời triển khai tích cực các kế hoạch, quy hoạch sau khi công bố kế hoạch.
Hai là, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan về quy hoạch; bổ sung nội dung các công cụ quản lý quy hoạch phát triển đô thị như chương trình phát triển đô thị khu vực phát triển đô thị, quy định quản lý xây dựng khu đô thị; thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng và các nhà khoa học, chuyên gia trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch để người dân có điều kiện giám sát việc thực hiện.
Về việc mà một số chủ đầu tư chậm việc thực hiện cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người dân khi mua nhà, theo quy định pháp luật, sau 50 ngày sau khi bàn giao nhà cho người mua nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện việc làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho người dân. Pháp luật đã quy định chế tài xử phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với những chủ đầu tư chậm trễ việc này.
Tuy nhiên, tình hình thực tế đúng là có hiện tượng như đại biểu Đinh Duy Vượt đã nêu, tuy số lượng không lớn. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định: “Chúng tôi có thống kê, đối với các nhà chung cư, tranh chấp về việc này chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số tranh chấp về nhà chung cư. Tuy nhiên, số lượng người dân, hộ dân bị ảnh hưởng lại rất lớn, cho nên đây là vấn đề cần phải được tập trung giải quyết."
Theo bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên có 2 loại. Một là, chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hai là, mặc dù có thể đã thực hiện đầy đủ các thủ tục rồi nhưng vẫn cố tình chậm trễ trong việc làm các thủ tục cấp quyền cho người dân.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất báo cáo Quốc hội. Cụ thể, đối với những dự án đã thực hiện trong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ỳ thì đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư vẫn cứ cố tình thì chuyển các cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định trong Bộ luật Hình sự.
Đối với những dự án mà còn thiếu một số thủ tục pháp lý để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở thì cần giải quyết đồng thời song song hai việc: giải quyết các thủ tục pháp lý mà chủ đầu tư chưa thực hiện, đồng thời cũng phải thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho người dân.
Giải pháp của các địa phương khác nhau, mỗi dự án cũng khác nhau. “Chúng tôi đề nghị các địa phương có báo cáo cụ thể, rà soát, đánh giá cụ thể, trao đổi ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết”, ông nói và cho biết thêm, theo kinh nghiệm, hai Bộ đã làm tại Hà Nội và đã giải quyết được một số vấn đề tương tự như thế. Chúng ta cũng phải thực hiện một số giải pháp căn cơ hơn các quy định pháp luật về việc nghiệm thu nhà ở, nghiệm thu công trình xây dựng; sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo cho việc cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho người dân được chặt chẽ hơn." - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần