Bộ trưởng Cao Đức Phát trần tình về phát biểu gây tranh cãi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã có buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí liên quan tới phát ngôn liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời báo chí chiều 3/4. Ảnh: laodong.com.vn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời báo chí chiều 3/4. Ảnh: Lao Động
Trước đó, trong diễn đàn Quốc hội chiều 1/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phát ngôn: “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng Nhân dân không biết”. Theo giải thích của ông Phát, do thời gian ở Quốc hội rất hạn chế nên ông đã diễn đạt chưa rõ ràng làm cho các độc giả, người dân bức xúc. Thực ra, ý ông muốn nói là với những số liệu mà Bộ NN&PTNT có được cho thấy phần lớn thực phẩm của chúng ta an toàn, nhưng mà người dân khó có thể phân biệt, không biết được đâu là thực phẩm thực sự an toàn, đâu là thực phẩm có vi phạm.
“Nhưng để giúp người dân phân biệt được thì đấy là trách nhiệm của chúng tôi, của các cơ quan quản lý Nhà nước nên chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đang cố gắng xây dựng những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận, có thương hiệu có thể nhận biết và thông tin để người dân có thể yên tâm đến những nơi đó để mua và tiêu dùng” - ông Phát nhấn mạnh.

Ông Phát thông tin thêm, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với 35 tỉnh, TP, xây dựng được 280 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và bán tại 549 cửa hàng, trong đó 406 cửa hàng đã có xác nhận. Giải thích về từ “người dân không biết”, ông Phát cho rằng ý ông muốn nói là người dân không biết đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm có vi phạm.

Cũng trong diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng vừa qua, ngành nông nghiệp lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ  thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Nói thêm về những con số đưa ra, ông Phát cho hay do thời gian cũng rất gấp nên chỉ nêu có 2 sản phẩm và về một số chỉ tiêu.

Tuy nhiên trong cuộc sống, ngay cả với 2 sản phẩm ấy thì nó cũng có từng thời điểm, từng địa phương có cao thấp khác nhau. Thậm chí ngay trong rau, cũng tùy từng loại rau, có loại rau mức độ cao, có loại rau mức độ thấp và trong cuộc sống thực tế không chỉ có rau với thịt mà còn cá, măng, ruốc và còn rất nhiều thứ khác nữa nên đúng là tình trạng thực phẩm mất an toàn đang rất nghiêm trọng.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết thêm, đối với ngành nông nghiệp, nhiều năm nay, Bộ NN&PTNT coi việc đảm bảo ATTP là nhiệm vụ trọng tâm số một. Vấn đề thứ hai, đây là mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay. Hiện nay chúng ta đã sản xuất cơ bản là đáp ứng đủ về số lượng lương thực, thực phẩm cho Nhân dân, thậm chí có dư để xuất khẩu với số lượng rất lớn nên yêu cầu của người dân bây giờ là chất lượng và hiệu quả. Chỉ tiêu quan trọng hàng đầu của chất lượng đó là ATTP.

Chia sẻ tâm tư của mình, ông Phát nói thêm: "Riêng đối với cá nhân tôi, gia đình tôi cũng tiêu dùng các thực phẩm như mọi gia đình khác tại Hà Nội. Tôi cũng đi ăn ở những quán bình dân, rồi vào thăm mẹ nằm ở bệnh viện, cũng ăn ở căng tin ở bệnh viện. Và trong gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi chia sẻ, cảm nhận rất sâu sắc băn khoăn, lo lắng của người dân, nỗi đau của những gia đình có người bị ung thư. Tôi thực sự cũng muốn cố gắng để đóng góp cùng với Bộ, cùng với hệ thống chính trị đáp ứng mong đợi đó của Nhân dân. Bộ NN&PTNT cũng cam kết thực hiện đầy đủ những chức năng, nhiệm vụ được giao. Cá nhân tôi cũng cam kết còn làm việc một ngày, còn nỗ lực để thực hiện mong đợi này của Nhân dân".