Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ có giải pháp gì để khắc phục; Bộ trưởng có cam kết gì trước Quốc hội, cử tri cả nước? Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đều có nguyên tắc. Ví dụ, chúng ta đang cố gắng thực hiện nguyên tắc: đối với những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người dân, doanh nghiệp thì phải quy định trong luật. Các điều kiện kinh doanh và các thủ tục có liên quan thì tầm văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất là Nghị định của Chính phủ. Quy trình để thực hiện xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có thông tư, nghị định, luật đều được quy định rất chặt chẽ.
"Thời gian qua, chúng ta đã rất cố gắng nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu phản ánh. Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế và chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết với các số liệu cụ thể." - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Có khá nhiều các báo cáo khác nhau của Bộ Tư pháp trong đó có Báo cáo 442 rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các thủ tục đầu tư, kinh doanh, xây dựng… thì Bộ Tư pháp đã nêu. Ngoài ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp thì Bộ đã kiểm tra văn bản, tuy nhiên thẩm quyền được giao của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở các thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành ban hành cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. “Khi chúng tôi phát hiện ra thì chỉ có thẩm quyền xem xét, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý chứ Bộ Tư pháp thì không xử lý”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Trong quá trình kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các điều kiện kinh doanh và việc vi phạm những quy định của pháp luật, chẳng hạn như quy định điều kiện kinh doanh phải đưa ra các thủ tục trong thông tư cũng là một trong những vấn đề mà Bộ Tư pháp tập trung. Ông Lê Thành Long cho rằng "chúng ta vẫn phải sống với tình trạng này và cố gắng làm sao để hạn chế tình hình, giảm bớt đi."
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp, trước hết là cơ chế tự thi hành. Các bộ, ngành, các chủ thể xây dựng pháp luật nếu thực hiện với trình độ chuyên môn và trách nhiệm phù hợp, chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng này. Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về mặt nguyên tắc đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ ba, sự giám sát của công luận, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Lê Thành Long cam kết, sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, sự chỉ đạo của Thủ tướng quyết liệt cắt giảm thủ tục chính là bước đi đúng và rất thực chất. "Chúng ta đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kinh doanh; cắt bỏ 30/120 bộ thủ tục tranh nữa; đang xử lý tiếp 1.501 sự chồng chéo của các bộ, ngành hàng." - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Đồng thời, ông Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: "Đúng như đại biểu Kim Thúy nêu, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh còn rườm rà, phức tạp. Có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó gây rào cản gây khó khăn cho người dân. Trong chỉ đạo của Thủ tướng, đang tiếp tục rà soát lại."
Ông Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, trước hết, chúng ta phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo. Đây là vấn đề quan trọng. Thứ hai, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát và quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành trình, làm sao để thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ ba, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ trên điện tử theo Nghị định 45. Thứ tư, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản kinh doanh trong các thông tư, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, Hiến pháp trao quyền cho người dân và doanh nghiệp, còn luật tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền đó. Như vậy, để thực hiện một quyền thì không phải tự dưng mà được, mà phải tuân thủ theo quy trình thủ tục, có thể do luật quy định, hoặc giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Thậm chí, tại khoản 4, Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cấm quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, trừ trường hợp luật giao.
“Ở đây tôi muốn nói rằng, Bộ Tư pháp với vai trò thẩm định các nghị định của Chính phủ thì cần hết sức quan tâm trong lĩnh vực này ở việc thẩm định”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ.
Đối với phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Thúy ghi nhận những thành tích, cố gắng trong cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên đại biểu Kim Thúy cũng đề nghị, cải cách thủ tục hành chính cần phải theo hướng đơn giản, thuận lợi, minh bạch để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phải ngăn chặn việc phát sinh những quy định không hợp lý, không hợp pháp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp muốn thực hiện quyền của mình thì phải nộp nhiều loại giấy tờ, trong đó có những giấy tờ không cần thiết và phải đi lại nhiều nơi. Cải cách hành chính cần hạn chế tối đa việc gỡ bỏ thủ tục này lại sinh ra thủ tục mới rườm rà hơn, phức tạp hơn.
“Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại câu nói của một nghị sĩ nước ngoài từng nói rằng: Nếu cho bạn viết luật về nội dung và cho tôi viết luật về thủ tục thì tôi có thể đánh bại bạn bất cứ lúc nào. Như vậy có nghĩa là, nếu nắm trong tay thủ tục thì có thể vô hiệu hóa mọi cố gắng về luật nội dung một cách dễ dàng”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định.