Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, những tháng đầu năm 2020, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn (nhiều hơn tổng số trận của cả năm 2019). Trong đó, có 8 đợt trên diện gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở với khoảng 54.000 nhà sập, hư hại, tốc mái; 2 trận lũ quét, sạt lở đất. Thiệt hại ước tính khoảng 610 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, phân tích các kết quả cũng như hạn chế của công tác phòng chống thiên tai năm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra. Một số nội dung chính được thảo luận là: Công tác đảm bảo an toàn trước nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo; vận hành an toàn hồ chứa, đặc biệt là các hồ xung yếu...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Sự vào cuộc tich cực của các bộ ngành và địa phương giúp công tác phòng, chống thiên tai đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổng hợp các vấn đề diễn ra trong những năm gần đây cùng với các đề xuất tại hội nghị, rà soát thể chế, chính sách gửi Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai. Trong kế hoạch hành động phải bám sát địa bàn, cụ thể hóa các nhiệm vụ cho ban chỉ huy, văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp theo phương châm 4 tại chỗ, biệt nêu cao tinh thần cảnh giác từ cơ sở.
Cùng với đó, kiện toàn, xây dựng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh theo hướng chuyên trách. Củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là công cụ hỗ trợ ra quyết định, theo dõi giám sát, cơ sở dữ liệu.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020 - 2025. Phong trào được triển khai trên phạm vi cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai hoặc có lĩnh vực hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai…