Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không lợi dụng giảm tiết để dạy thêm, học thêm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/1, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, chương trình mới đã giảm tải tiết học, song các nhà trường, giáo viên tuyệt đối không được lợi dụng những tiết giảm đó để dạy thêm, học thêm.

Điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Giáo dục Thời đại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Thời gian giảm tải có thể tận dụng cho học sinh tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng không nên nặng nề về lý thuyết, cần để học sinh được hoạt động, là cơ hội để học sinh phát triển năng lực phẩm chất của mình".
Đặc biệt, để kịp thời bắt nhịp với chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường, giáo viên và sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương trong cả việc hoàn thiện cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Chia sẻ về chương trình GDPT mới, Tổng chủ biên chương trình GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, ở chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục. Qua đó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Bên cạnh đó, trước ý kiến của nhiều đơn vị về tình trạng thừa, thiếu giáo viên khi thực hiện dạy tích hợp môn theo chương trình GDPT mới, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho hay, mặc dù là tích hợp nhưng so với chương trình hiện hành không bỏ môn nào nên không lo ngại tình trạng thừa giáo viên.
"Trong những môn tích hợp vẫn có những mạch riêng của các phân môn nên cơ bản giáo viên môn nào vẫn phụ trách phần học của môn đó trong môn tích hợp, với những chuyên đề chung các giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên phụ trách mỗi chuyên đề hợp lý" - ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Về phía Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, các nhà trường ở Hà Nội đã chủ động sẵn sàng triển khai chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, ông Chử Xuân Dũng đề nghị, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên, nếu có thể nên sớm công bố một bộ sách giáo khoa để nhà trường, giáo viên nghiên cứu và từ đó có thể tự đào tạo ngay trong nhà trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần