Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Tư pháp nói về việc lạm dụng bản sao có chứng thực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết, trở thành hiện tượng lạm giấy tờ chứng thực.

Vấn đề lạm dụng bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính đang là một thực trạng khiến người dân bức xúc, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội, được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ làm rõ các vấn đề này của người dân.

 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

PV: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được chuyển tới Bộ trưởng của một thính giả cho biết: Tôi thấy đa số các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng đều yêu cầu các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực, thậm chí một số trường hợp mặc dù người dân đã nộp bản sao có chứng thực như thành phần hồ sơ yêu cầu nhưng cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu xuất trình kèm bản chính để đổi chiếu? Xin hỏi Bộ trưởng cho biết như vậy là đúng hay sai? Nếu sai, Bộ Tư pháp có hướng xử lý, giải quyết như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc các thông báo tuyển sinh, tuyển dụng chỉ yêu cầu bản sao có chứng thực là chưa đầy đủ và phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể là chưa phù hợp với Nghị định số 79 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính. 

Theo quy định của Nghị định này thì khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn, hoặc nộp bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính; hoặc nộp bản photocopy xuất trình kèm bản chính để công chứng, để người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản chụp photocopy với bản chính. Chính vì thông báo chưa đầy đủ dẫn đến hiện tượng lạm dụng bản sao chứng thực. Từ đó, tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực đã vượt quá sự cần thiết, trở thành hiện tượng lạm giấy tờ chứng thực. Điều này vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, lãng phí cho xã hội; vừa tạo áp lực quá tải cho UBND cấp xã, Phòng tư pháp cấp huyện, nhất là vào mùa thi cử, tuyển sinh các cấp học. 

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, ngày 20/6/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17 về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ thị đã giao cho Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đều phải hoàn thành trước ngày 31/3/2015.

PV:  Nhiều người dân cũng phản ánh: Hiện nay tại một số UBND cấp xã, khi thực hiện bản sao từ bản chính giấy tờ/văn bản cho dân thì người tiếp nhận hồ sơ không chấp nhận bản photocopy từ bản chính do người dân tự mang đến mà thường yêu cầu phải photocopy tại trụ sở UBND và thu tiền photocopy. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết tôi khẳng định lại là nếu người dân đã photocopy bản chính rồi để mang đến chứng thực, người dân có trách nhiệm xuất trình bản chính ra, người tiếp nhận hồ sơ phải tự kiểm tra đối chiếu với bản chính và có trách nhiệm phải ký xác thực chứng thực bản chụp đó phù hợp với bản chính, đó là trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của công chức, viên chức cán bộ. Nhưng nếu yêu cầu người dân không chấp nhận bản photocopy do người dân mang đến, yêu cầu photocopy tại cơ quan mình về nguyên tắc tôi khẳng định là sai so với quy định.

PV: Cũng về vấn đề này, một thính giả viết thư về chương trình hỏi như sau: Cháu đến UBND xã yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính bằng tốt nghiệp đại học cùng với giấy khai sinh nhưng chỉ được chứng thực bản sao giấy khai sinh và hướng dẫn cháu đến phòng tư pháp để chứng thực bản sao bằng tốt nghiệp đại học với lý do đây là văn bản song ngữ, không thuộc thẩm quyền của UBND xã. Cháu thật sự không hiểu vì sao lại có sự phân biệt thẩm quyền như vậy?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Rắc rối ở đây chính là bằng tốt nghiệp đại học của cháu theo tôi hình dung là do trường đại học của Việt Nam cấp, bên cạnh đó lại ghi thêm 1 ngoại ngữ, do pháp luật hiện hành về chứng thực chưa quy định rõ thế nào là văn bản song ngữ nên các UBND cấp xã rất ngại chứng thực việc đó. 

Để khắc phục tình trạng này, ngày 13/6/2014 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có công văn hướng dẫn cách hiểu “Giấy tờ, văn bản song ngữ”, Giấy tờ văn bản song ngữ phải là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt, do cơ quan tổ chức nước ngoài cấp hoặc liên kết với tổ chức ở Việt Nam cấp, thì khi đó thẩm quyền thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện; còn văn bằng, chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp có xem thêm tiếng nước ngoài giống như trường hợp của cháu thì không được coi là “giấy tờ, văn bản song ngữ” thì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực.

 Từ khi có hướng dẫn đến nay, các địa phương đã thực hiện cơ bản là không còn vướng mắc. Để căn cơ hơn, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đưa nội dung hướng dẫn này vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79 dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 tới đây để xem xét ban hành.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.