Bỏ truyền thống, vọng tương lai

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit), mọi câu hỏi gần như đều chưa được trả lời ngoại trừ có thể chắc chắn được là nước Anh sẽ ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/1/2020.

Đây là thời hạn mới mà EU đã quyết định gia hạn cho phía Anh và vì là lần gia hạn thứ 3 nên chắc sẽ không có lần thứ 4. Cũng vì thế mà ngay khi Brexit chưa biết sẽ ngã ngũ theo hướng nào thì đã nảy sinh hệ luỵ mới đối với Anh là xứ Scotland hâm nóng lại chủ ý ly khai nước Anh. Chính quyền Scotland cho biết sẽ rất nhanh chóng khởi động quá trình hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết để lại một lần nữa tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập riêng cho Scotland.
Xứ này và nước Anh gắn kết với nhau nhờ quá khứ lịch sử chung và cũng đã đeo đẳng ý định tách ra khỏi nước Anh để trở thành quốc gia độc lập, nhưng phong trào giành độc lập không quyết liệt như xứ Catalonia ở Tây Ban Nha.
Trong những lần trưng cầu dân ý cho đến nay ở Scotland, đa số dân ở đây không ủng hộ việc ly khai Anh, nhưng đấy đều ở thời kỳ trên đảo quốc này chưa đặt ra vấn đề Brexit. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit vào mùa Hè năm 2016, đa số dân xứ Scotland không ủng hộ việc nước Anh ra khỏi EU.
Vì thế, không có gì là khó hiểu khi ở xứ Scotland giờ lại dậy sóng việc ly khai nước Anh. Nước Anh ra khỏi EU đồng nghĩa với việc xứ Scotland cũng không còn trong EU. Những thỏa thuận ngoại lệ giữa EU và Chính phủ Anh chỉ áp dụng cho vùng Bắc Ireland chứ không cho Scotland. Vì thế, xứ Scotland giờ phải lựa chọn giữa theo Anh ra khỏi EU hay ly khai Anh để rồi trở thành quốc gia độc lập mới với hy vọng và cơ hội rồi sẽ được đứng trong hàng ngũ của EU. Xứ này xem ra bây giờ cho rằng tương lai của Scotland không phải cùng với Anh đứng ngoài EU mà ở trong và cùng với EU. Cho nên Scotland mới phải tìm cách bỏ truyền thống để hy vọng tương lai và vì tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần