Một trong những định hướng mà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ, ngành Tư pháp phải lưu ý chính là tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, tiến độ Báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp. |
Cụ thể, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Tiếp cận thông tin; tích cực hoàn thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 1; tham gia xây dựng, góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành chủ trì xây dựng. Đối với công tác thi hành án dân sự, trong số việc có điều kiện thi hành, 296.041 việc đã thi hành xong, tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015; đạt tỷ lệ 56,22%, tăng 9,62% so với cùng kỳ. Trong số tiền có điều kiện thi hành, hơn 14 nghìn tỷ đồng đã thi hành xong, tăng gần 27% so với cùng kỳ; đạt tỷ lệ 14%, tăng gần 3% so với cùng kỳ… Tiếp tục hoàn thiện thể chế Các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 được xác định là tập trung tham mưu cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng khả thi, đồng bộ, đơn giản thủ tục, thống nhất “tinh chỉnh hệ thống”; tiếp tục triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sắp có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; xử lý kịp thời các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế… Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Phó Thủ tướng có buổi làm việc riêng về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; về luật sư, giám định tư pháp; về bồi thường nhà nước. Bà cũng băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng pháp luật khá tốt, cơ bản có được hệ thống pháp luật đầy đủ để chuyển trọng tâm sang hoàn thiện và thi hành pháp luật. Thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp sẵn sàng hưởng ứng tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo “chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động”. “Các nhiệm vụ trọng tâm công tác tới đây sẽ hướng tới mục tiêu trên từ công tác xây dựng pháp luật đến công tác thi hành án dân sự, công tác hộ tịch…” - Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh. Tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được, những cố gắng của Bộ, ngành Tư pháp; đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Bộ Tư pháp. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị Bộ, ngành Tư pháp nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tư pháp 3 định hướng nhằm quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế. Đó là tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật; chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế; nghiên cứu, căn chỉnh và có bước đi phù hợp trong xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Để thực hiện có hiệu quả các định hướng này, bên cạnh chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm xử lý những đề xuất, kiến nghị của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng nêu lên 8 nhiệm vụ mà Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện. Trong đó, ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác năm, nhất là các văn bản, đề án trình cấp có thẩm quyền; chủ động tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật; hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự; chú trọng công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, đạt tiêu chuẩn.