Bồi đắp không gian văn hóa ven sông Hồng:

Bài cuối: Hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothui - Sông Hồng là trục cảnh quan có tính chất đặc biệt của Hà Nội, vừa mang tính biểu tượng, vừa là văn hóa, lịch sử Thủ đô. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được định hướng để sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm của TP Hà Nội;....

>>> Bài 1: Tạo dựng không gian văn hóa

>>> Bài 2: Đánh thức nguồn lực, lợi thế

Tạo hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm vui chơi, tham quan, du lịch đáp ứng nhu cầu giải trí, thể dục, thể thao cho Nhân dân. Để làm được điều này, Hà Nội cần nỗ lực triển khai các giải pháp tổng thể, đồng thời tôn trọng các yếu tố cộng đồng, văn hóa, lịch sử.

Để quy hoạch thành hiện thực

Để các ý tưởng trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong đó có việc tạo dựng không gian sân, công viên văn hóa, du lịch trở thành hiện thực, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, kiến trúc sư (KTS) Ngô Trung Hải - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ có 3 bài toán cơ bản, quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất được đặt ra trong đồ án cần phải giải quyết.

Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt tạo đà cho phát triển không gian văn hóa ven sông. Ảnh: Phạm Hùng
Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt tạo đà cho phát triển không gian văn hóa ven sông. Ảnh: Phạm Hùng

Trước tiên, cải tạo lại toàn bộ không gian hai bên bờ sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, lá phổi xanh. Thứ hai, thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông dọc, ngang kết hợp các tuyến đê và cầu.

Thứ ba, làm sao đảm bảo cho người dân đang sinh sống ở dọc hai bên bờ sông có nơi sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn.

Để tìm được lời giải thích hợp cho những bài toán trên, KTS Ngô Trung Hải cho hay, TP cần xây dựng các dự án chi tiết hơn, phân tích rõ những nguồn lực để thực hiện.

Chẳng hạn, TP có thể kêu gọi nhà đầu tư chỉnh trang lại hệ thống đê điều, xây dựng khu công viên, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa lịch sử. Các khu vực cần được phân định rõ ràng.

Nếu các dự án này được đầu tư xây dựng thành công, thì trục sông Hồng sẽ là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Người dân và du khách sẽ tìm đến khu đô thị sông Hồng để nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức không khí trong lành và sống trong không gian lịch sử sâu lắng.

Qua đó, TP có nguồn lực để tái đầu tư. Các dự án giao thông, nâng cấp khu dân cư, nhà cũng cần có dự án chi tiết sẽ được thực hiện như thế nào. Nhà đầu tư được mời gọi vào đây để xây dựng khu đô thị mới, nhưng phải làm sao để vẫn đảm bảo sinh kế và nơi ở cho người dân.

Năm 2006, các chuyên gia Hàn Quốc đã hỗ trợ Hà Nội nghiên cứu đồ án quy hoạch cơ bản hai bên bờ sông Hồng với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên đến năm 2008, dự án quy hoạch này bị dừng triển khai.

“Theo tôi được biết, khi nghiên cứu quy hoạch này, các chuyên gia Hàn Quốc lấy ý tưởng muốn xây dựng đô thị sông Hồng như sông Hàn ở Seoul, là đô thị sầm uất, lên đến hàng triệu dân, với nhiều nhà cao tầng. Đây là phương án rất tham vọng, nhưng không phù hợp với Hà Nội hiện nay, bởi sau khi mở rộng, TP đã có nhiều không gian để xây dựng các đô thị vệ tinh, nên không cần thiết phải dồn công trình dọc hai bên sông Hồng.

Hiện nay các khu đô thị phía Tây hay phía Bắc đang phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều công ăn, việc làm hấp dẫn, sẽ thu hút nhiều người dân đến sinh sống. Vì vậy, giải pháp để hai bờ sông Hồng không bị chất tải là tạo thêm các khu đô thị hấp dẫn, thu hút người dân đến sinh sống, làm việc. Khi có đủ không gian thu hút người dân thì đương nhiên hai bên bờ sông Hồng sẽ đảm bảo là trục cảnh quan xanh.

Hay đơn giản, nếu TP huy động được nguồn lực để xây dựng hàng loạt cây cầu đặc sắc, ấn tượng qua sông, gắn với các địa danh hoặc mang tên nhân vật lịch sử, đó sẽ trở thành biểu tượng của Thủ đô và trở thành địa điểm hấp dẫn với nhiều du khách” - KTS Ngô Trung Hải cho biết.

Sau đó, TP cần có các quy định chặt chẽ, minh bạch. Chính quyền các quận, huyện một mặt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình lớn, nhưng phải có đủ năng lực để đảm bảo họ thực thi đúng pháp luật, không làm phá vỡ cảnh quan.

Ngoài Hàn Quốc, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia xây dựng thành công khu đô thị hai bên bờ sông như Venice, Paris, Amsterdam... Hà Nội nên học tập những mô hình này một cách có chọn lọc, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Lấy cộng đồng làm trung tâm

Bài toán thứ 3 được đặt ra về đảm bảo cho người dân đang sinh sống ở dọc hai bên bờ sông có nơi sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn trong thực tế đã được triển khai và đem lại hiệu quả.

Điển hình, khu đất Bờ vở thuộc tổ 16 phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chỉ hơn 100m2, tuy dài nhưng hẹp về chiều rộng. Khu vực này thuộc phần hành lang bảo vệ đê điều, các nhà đều quay mặt vào trong và có bức tường ngăn với khu vực dân cư.

Tuy ở trung tâm Hà Nội nhưng khu vực này là nơi tập hợp các nhóm dân cư có thu nhập trung bình, thấp; nhiều nhà trọ với nhiều người dân ngoại tỉnh về đây sinh sống và làm các công việc tự do như bán hàng rong, bê vác tại chợ Long Biên. Khu đất này trước đây rất bẩn, như một bãi phế liệu rác xây dựng, rác sinh hoạt. Mong muốn của cộng đồng dân cư nơi đây chỉ là: Làm sạch và phẳng không gian, bổ sung các tiện ích công cộng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Từ xuất phát điểm đó, ý tưởng tái thiết không gian công cộng được khởi xướng từ Nhóm Vì một Hà Nội đáng sống với sự phối hợp của Think Playgrounds (TPG) và sự hỗ trợ tài chính từ đại sứ quán Đan Mạch cùng những cá nhân yêu mến Hà Nội.

Theo KTS Chu Kim Đức - phụ trách dự án của TPG chia sẻ: Lấy cộng đồng làm trung tâm, chủ động trong tiến trình thiết kế và cải tạo không gian công cộng, dự án được thực hiện với sự tham gia của các nhóm cộng đồng yếu thế bao gồm nhóm người nhập cư, phụ nữ, trẻ em.

Bắt đầu từ các hoạt động sống xanh tại các hộ gia đình (phân loại và hạn chế rác thải nhựa, tiết kiệm điện, nước, ngôi nhà an toàn) để nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống bền vững, lành mạnh hướng đến thay đổi hành vi, bảo vệ môi trường; 20 hộ gia đình bao gồm các chị em phụ nữ nhập cư đã cùng tham gia thực hiện các hành động sống xanh, hạn chế các sản phẩm từ nhựa, giảm thiểu vứt rác ra môi trường cũng như xây dựng các hoạt động vệ sinh dọn dẹp không gian sống hàng tuần.

Sau gần một năm thực hiện, người dân tại tổ 16 tiếp tục gìn giữ và quản lý khu vực sạch đẹp, cộng đồng vẫn bàn nhau để mở rộng và cải tạo thêm. Công trình được nhận giấy khen của UBND TP về những đóng góp tích cực trong phong trào vệ sinh môi trường.

Theo KTS Chu Kim Đức: Cải tạo không gian công cộng là một hành trình kết nối mở rộng và đa ngành, nơi mà cộng đồng, chính quyền, chuyên gia cùng tham gia trong đó cộng đồng là nhân tố chính trong quá trình kiến tạo và duy trì không gian, công cộng của họ.

Việc cải tạo không gian công cộng nên được coi là một hành trình liên tục, không dừng lại ở việc lắp đặt một, hai thiết bị hay tạo ra một không gian vật lý – đó là một quá trình của sự kết nối, đối thoại, đàm phán, điều chỉnh và hàn gắn của các cộng đồng đô thị trong mối liên hệ với nhau và với môi trường xung quanh.

Người Hàn Quốc cũng từng đặt mục tiêu chỉnh trị dòng sông Hàn, để xây TP Seoul hiện đại với hàng chục triệu dân bên bờ sông. Thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội cũng có thể làm nên kỳ tích với việc xây dựng khu đô thị sông Hồng trở thành trục cảnh quan nổi tiếng khu vực và thế giới với bề dày lịch sử, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

"Quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên. Đây là tin đáng hoan nghênh - một tầm nhìn “Quy hoạch vị dân sinh” đáng trông đợi." - KTS Đoàn Thanh Hà

-------------------------

TP cần có một quy hoạch rõ ràng, chi tiết cho khu vực dọc sông Hồng, hình thành nên một mạng lưới các không gian, để giới sáng tạo có thể cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, nguồn lực và tổ chức thêm nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của xã hội và có thêm công chúng. Sự phát triển của các không gian sáng tạo ở khu vực sông Hồng sẽ có những đóng góp quan trọng đối với Thủ đô, làm nên diện mạo mới về văn hóa Hà Nội, để nơi đây thực sự xứng đáng với vị trí trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, biểu tượng cho những giá trị cao đẹp của con người và đất nước Việt Nam." - PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần