Tạo môi trường giao thông thuận lợi cho chính mình Văn hoá giao thông (VHGT) là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung. Văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. VHGT là hành động chấp hành đúng, gương mẫu một cách tự giác đối với pháp luật về trật tự, ATGT. VHGT còn thể hiện ở việc xử sự trong mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông Hà Nội giải thích lỗi vi phạm cho lái xe tại nút giao Kim Mã - Liễu Gia. Ảnh: Phạm Hùng |
Mạng lưới giao thông của thành phố tuy có cấu trúc hợp lý nhưng thiếu các đường chuyển tiếp, bề ngang hẹp, nhiều khu vực chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, thiếu an toàn, chưa đáp ứng được xu thế phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Do đó, ở các quận nội thành, tình trạng mất an toàn, ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập như vậy, ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông lại rất “hạn chế”, lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông thì tăng chóng mặt, dẫn đến gia tăng ùn tắc và TNGT. Từ thực tế đó, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giảm ùn tắc giao thông và TNGT trước nhất là phải tự xây dựng cho mình nét VHGT tương xứng, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; Không dàn hàng, dùng ô che khi điều khiển phương tiện giao thông; giữ gìn đường phố xanh - sạch - đẹp, bảo vệ các công trình giao thông công cộng, tạo môi trường giao thông thuận lợi để phục vụ cho chính mình. Bên cạnh đó, mỗi người hãy là Tuyên truyền viên tích cực về luật giao thông, góp phần xây dựng VHGT chung cho toàn xã hội. Cơ quan chức năng phải “lĩnh xướng” Để xây dựng VHGT còn cần đến bàn tay thực thi có trách nhiệm của các lực lượng chức năng, tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn giao thông đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm để tạo nếp ý thức cho người tham gia giao thông. Đối với lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT của TP là lực lượng nòng cốt đảm bảo trật tự ATGT, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, thái độ tác phong khi tiếp xúc với Nhân dân. Bên cạnh đó, TP cũng cần quan tâm hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, tăng cường giám sát để đảm bảo lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế tối đa tiêu cực; có như vậy mới tạo được tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế sự chủ quan của người tham gia giao thông. Ngoài ra, cần quyết liệt chấm dứt hiện tượng xe công của cơ quan nhà nước cố tình vi phạm luật giao thông, tạo tiền lệ xấu, khiến người dân mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, VHGT đến mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT. Để việc làm này có hiệu quả, cơ quan thông tin cần đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông với các hình thức đa dạng như triển lãm panô ảnh, phát tờ rơi tuyên truyền, loa phát thanh tuyên truyền được lắp trên các đèn tín hiệu, xe chuyên dụng… Cơ quan quản lý Nhà nước cần lắng nghe nguyện vọng, khảo sát thực tế mạng lưới giao thông của TP để có giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình chung của xã hội. Xây dựng VHGT là công việc nặng nề, lâu dài, không thể hoàn thành trong sớm chiều, cần có sự phối hợp, tham gia đồng bộ, kiên trì của tất cả các ban ngành TP cũng như người dân. Tuy nhiên, phương hướng, biện pháp để đạt hiệu quả lại là việc mà các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng TP cần chủ động nhận trách nhiệm, hướng dẫn người dân cùng tham gia một cách thiết thực.