Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bốn bộ cùng giáo dục học sinh phòng, chống bạo lực gia đình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/5, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đó, bốn bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Bộ Công an đã cùng ký Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Thông tư, ​hành vi về xây dựng gia đình được hiểu là sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình trong việc thực hiện các chức năng của gia đình; phát huy các truyền thống tốt đẹp của gia đình; đảm bảo việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe, tinh thần ​cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là chăm sóc bà mẹ mang thai, người cao tuổi và trẻ em.

Hành vi phòng, chống bạo lực gia đình là sự ứng xử có văn hóa, kiềm chế cảm xúc bất lợi cho bản thân và các thành viên khác trong gia đình, đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng giữa các thành viên gia đình, tuân thủ pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bốn bộ cùng giáo dục học sinh phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1
Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản và định hướng cho các thành viên trong gia đình về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm tạo môi trường thuận lợi để các hành vi tích cực được thực hiện. 

Với mục tiêu chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, nội dung giáo dục gồm giáo dục về vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của thành viên trong gia đình, các giá trị về gia đình, mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm cha, làm mẹ, làm con cháu trong xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình và biện pháp phòng ngừa, can thiệp, xử lý kịp thời các trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình.

Các nội dung trên sẽ được chuyển tải đến học sinh qua ba hình thức gồm: Giáo dục thông qua tích hợp, lồng ghép các kiến thức về giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học và hoạt động giáo dục; giáo dục thông qua các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; các hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Về trách nhiệm, Bộ GD&ĐT có vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện, tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh tại các cơ sở giáo dục trong việc giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, bổ sung, xây dựng, tích hợp, lồng ghép nội dung, kiến thức và kỹ năng về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

Đồng vai trò chủ trì với Bộ GD&ĐT là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Các bộ chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hàng năm.

Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng tài liệu tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục về xây dựng gia đình văn hóa mới, phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường vào các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo.

 Bộ Công an sẽ tham gia phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, có trách nhiệm cung cấp thông tin tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên tại các cơ sở giáo dục.

Thông tư cũng quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai các quy định tại thông tư như bố trí kinh phí, chỉ đạo các ban, ngành địa phương phối hợp thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động tại địa bàn mình.

Thông tư liên tịch trên có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6.