Bóng đá nữ Việt Nam: Vinh quang và ngậm ngùi

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giành chiến thắng cả 3 trận đấu trước các đối thủ là Uzbekistan, Hong Kong và Jordan, đội tuyển nữ Việt Nam xuất sắc giành ngôi nhất bảng B với 9 điểm tuyệt đối để góp mặt tại vòng loại cuối cùng của Olympic 2020.

Nhìn vào thành tích ấn tượng của những "cô gái vàng" trong nhiều năm qua, không ít người ngậm ngùi bởi thực tế bóng đá nữ vẫn còn thiếu sự quan tâm, đầu tư.
Âm thầm tỏa sáng từ những khán đài trống
Bóng đá nữ vốn luôn được coi là thế mạnh đem về huy chương và thành tích trên đấu trường châu lục cũng như khu vực Đông Nam Á cho bóng đá Việt Nam. Vượt qua vòng loại 2 để góp mặt tại vòng loại cuối cùng của Olympic 2020, thầy trò HLV Mai Đức Chung một lần nữa lại mang tên tuổi bóng đá Việt Nam ra đấu trường châu lục. Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá nữ mang niềm vui cho những người hâm mộ, vinh quang về cho đất nước. Tính đến thời điểm này, bóng đá nữ Việt Nam đã giành được 5 HCV tại SEA Games.
Tuy nhiên thực tế, những giải vô địch nữ hay chính các "cô gái vàng" của bóng đá Việt Nam vẫn luôn bị bỏ rơi không thương tiếc. Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên, Quả bóng Vàng nữ năm 2018 Nguyễn Thị Tuyết Dung tâm sự, thường bóng đá nam luôn rất được quan tâm.
Một tình huống trong trận đấu giao hữu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và CLB nữ Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Trong khi đó, bóng đá nữ dù cũng có những thành công nhất định nhưng dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm lớn nên các nữ tuyển thủ luôn cảm thấy chạnh lòng. Sẽ chẳng khó để nhận ra tại các buổi tập hay trên khán đài thi đấu mỗi khi các "cô gái vàng" Việt Nam ra sân lại thiếu vắng “cầu thủ thứ 13”.
Nhiều người hâm mộ chưa thể quên thời điểm bóng đá nam thất bại tại SEA Games 29 khi HLV Nguyễn Hữu Thắng cầm quân thì bóng đá nữ lại “cứu cánh” cho nền bóng đá Việt Nam tại đấu trường khu vực. Cũng từ đó, bao nhiêu lời hứa hẹn dành cho bóng đá nữ được đưa ra, thậm chí biết bao người đứng lên đòi dẹp bỏ bóng đá nam để dành tiền đầu tư cho bóng đá nữ.
Vậy nhưng đến nay, mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Điều đáng nói, các cầu thủ nữ Việt Nam vẫn miệt mài cống hiến tuổi thanh xuân của mình để gặt hái vinh quang của bóng đá nước nhà, đổi lại là sự cô đơn với những khán đài trống vắng.
“Bóng đá nữ vẫn luôn như vậy. Chưa được nhiều người quan tâm và tìm hiểu nhưng chúng tôi không quan trọng điều đó. Khán giả đến sân xem và ủng hộ là đã quý lắm rồi. Dù khán giả ít hay nhiều chúng tôi vẫn cố gắng thi đấu hết mình” - HLV Mai Đức Chung nói.
Cần chiến lược đào tạo bài bản
Thành công rực rỡ ở đấu trường khu vực, song tại các đấu trường lớn, thành tích của các “cô gái vàng” dường như vẫn còn khiêm tốn khi chỉ đi đến được tới vòng bảng của Giải vô địch bóng đá nữ châu Á vào năm 2008, 2010 và 2018, thành tích tốt nhất là hạng 6 vào năm 2014.
Theo HLV trưởng CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam, nếu như được đầu tư bài bản hơn, chắc chắn bóng đá nữ Việt Nam không chỉ dừng lại ở đấu trường khu vực mà còn có thể tiến xa hơn nữa ở cấp châu lục.
Nói về ý tưởng này, Quả bóng Vàng nữ 2003 Văn Thị Thanh cho rằng, việc thành lập một trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ ở thời điểm này là phù hợp để tìm kiếm nhân tài cho ĐTQG. Bởi khi thành lập ra Trung tâm đào tạo trẻ được đầu tư quy mô, bài bản thì chất lượng cầu thủ nữ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, HLV Văn Thị Thanh cũng khẳng định, hiện nay, hầu như công tác tuyển chọn cầu thủ nữ chỉ dựa trên kinh nghiệm của các HLV chứ không hề có một quy chuẩn nào nhất định.
“Tôi nghĩ rằng, cần có các chuyên gia, HLV nước ngoài tham gia vào công tác đào tạo trẻ bóng đá nữ ở Việt Nam. Họ làm việc rất bài bản từ thời gian ăn uống, tập luyện nghỉ ngơi. Nếu các em ở lứa tuổi U11, U12 được đào tạo bởi những người có chuyên môn, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được lứa cầu thủ có chất lượng tốt hơn rất nhiều".
Ở một khía cạnh khác, cựu tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam Đỗ Thị Ngọc Châm cho biết, cả nước cũng chỉ có 6 địa phương có đội bóng đá nữ. Tuy nhiên, việc duy trì được đội không phải chuyện dễ dàng như bóng đá nam. "Nhiều điều nói thì rất dễ nhưng làm được thì khó vì không có nhà tài trợ, không có kinh phí để duy trì hoạt động của đội bóng. Chính vì điều này mà nhiều cầu thủ nữ không thể theo đuổi đam mê của mình” - Đỗ Thị Ngọc Châm chia sẻ.

"Những năm vừa qua, bóng đá nam đang có một lứa cầu thủ trẻ rất tốt và hiện tại có rất nhiều CLB, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Tôi cũng mong muốn bóng đá nữ sẽ được quan tâm hơn, nhận được sự đầu tư cho thế hệ trẻ để có lứa kế cận cho ĐTQG." - Quả bóng Vàng nữ năm 2018 Nguyễn Thị Tuyết Dung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần