Hết cảnh con nuôi
Hiện tại, ĐTQG nữ đang tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho AFF Cup 2015. Đây là giải đấu được tổ chức thay cho môn bóng đá nữ ở SEA Games 28 vốn bị nước chủ nhà Singapore loại khỏi chương trình Đại hội. Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà AFF Cup đang được coi là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch.
Hãy khoan bàn về khả năng bước lên ngôi vị cao nhất của bóng đá nữ Việt Nam ở đấu trường khu vực. Hiện tại, ĐTQG nữ đang được tập trung với rất nhiều nét mới. Đầu tiên là tinh thần trẻ hóa đã thực sự lan tỏa ở đội tuyển khi có đến 1/3 cầu thủ được triệu tập là những gương mặt mới. Tiếp đến, các cầu thủ được dẫn dắt bởi một HLV đến từ nền bóng đá nữ phát triển bậc nhất thế giới là Nhật Bản. Những động thái trên cho thấy, các nhà quản lý bóng đá muốn xây dựng chương mới đầy tham vọng cho bóng đá nữ.
Trước nay, dư luận thường cho rằng, bóng đá nữ Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa nếu được đầu tư xứng đáng. Thậm chí, nếu được quan tâm bằng bóng đá nam hiện tại thì sân chơi dành cho các cô gái sẽ rất phát triển. Và, những ý kiến phản biện này dường như đã có những tác động đến cơ quan quản lý bóng đá là VFF. Đã có những thay đổi quan trọng trong chính sách dành cho các cô gái đá bóng. Đầu tiên là việc họ không phải đi vé máy bay giá rẻ, thường xuyên được tập huấn nước ngoài. Và mới đây nhất, VFF quyết định thực hiện chính sách công bằng tài chính giữa đội tuyển nam và nữ. Các cầu thủ của hai đội tuyển có chế độ ăn ở, tập luyện là như nhau. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù nên VFF còn chi thêm khoản chi phí có tên gọi là "phụ cấp độc hại".
Thực ra thì những thay đổi trên không lớn, nhưng để có được nó phải mất cả một quá trình dài phản biện. Nó sẽ giúp các cô gái bớt phần thiệt thòi và có điều kiện nâng cao bản lĩnh trận mạc.
Và giấc mơ hội nhập
HLV Takashi cho rằng, bóng đá nữ Việt Nam cũng sở hữu những tố chất tương tự như bóng đá nữ Nhật Bản. Các cầu thủ thông minh, khéo léo và chăm chỉ. Đó là điều kiện thuận lợi để nâng tầm phát triển. Nhiệm vụ của ông Takashi là sớm đưa bóng đá nữ Việt Nam trở lại với vị thế số 1 của khu vực. Thế nhưng, nhà cầm quân này và cả VFF đều đặt mục tiêu lớn hơn là sớm đưa bóng đá nữ Việt Nam vào Top 8 châu lục.
Trước tham vọng lớn, ông Takashi tự tin vào tính khả thi. Thế nhưng, nhà cầm quân này cho rằng, đây là một lộ trình dài và phải mất nhiều năm với rất nhiều thay đổi về chính sách và sự đầu tư thì mới mong có được một đội tuyển mạnh ở châu lục. Điều đầu tiên mà ông Takashi muốn làm là nhanh chóng nâng tầm chất lượng của giải vô địch quốc gia. Cần phải có nhiều đội dự giải hơn. Bên cạnh đó, sự đầu tư dành cho bóng đá nữ phải lớn hơn, để các cầu thủ có thể sống tốt bằng nghề đá bóng.
Thực ra thì những điều mà ông Takashi mong muốn đều được các nhà quản lý bóng đá nhắc từ nhiều năm qua. Thế nhưng, rào cản về tài chính và cơ chế khiến cho sân chơi nữ mãi không thể phát triển. Vậy nên, để có được một phong trào bóng đá nữ phát triển thì trước tiên ngành thể thao và các địa phương phải có những định hướng và sự đầu tư một cách thực chất cho bóng đá nữ. Bởi nói cho cùng, để các đội bóng tự bơi thì chẳng bao giờ có thể đến đích.