Thậm chí, quân của bầu Đức cũng không tham gia giải U13 và chấp nhận nộp phạt. Ngay lập tức, một loạt đội bóng cũng tháo chạy theo bầu Đức, bất chấp việc giải đấu có thể bị xáo trộn. Xem ra, bóng đá trẻ Việt Nam vẫn phải trông đợi vào mấy đội bóng nhà nghèo nhưng có truyền thống và trách nhiệm. Không thích hay không trách nhiệm? Lý giải việc rút lui khỏi mấy giải trẻ liền một lúc, đại diện của HAGL nói rằng, họ không đủ lực lượng và chẳng muốn chạy theo thành tích khi đưa lứa cầu thủ thuộc học viện bóng đá của mình ra sân chơi quá sớm. Đó là một cách giải thích tưởng chừng là hợp lý nhưng lại không cho thấy trách nhiệm với sân chơi chung. Bởi, đội bóng nào cũng như HAGL thì làm sao còn hệ thống bóng đá trẻ? Hàng ngàn cầu thủ của hàng chục đội bóng sẽ không có cơ hội thi đấu cọ xát để nuôi dưỡng giấc mơ đá bóng. Nhiều năm qua, giới chuyên môn cho rằng, một trong những lý do khiến bóng đá trẻ Việt Nam không thể phát triển là do ít có cơ hội được thi đấu. Chỉ ăn và tập với thầy của mình, một năm, các cầu thủ trẻ được đá không quá chục trận mà theo tính toán của giới chuyên môn, để đảm bảo khối lượng tập luyện, mỗi đội bóng trẻ cần phải được thi đấu 30 - 40 trận. Thực ra thì các nhà tổ chức cũng có cái khó của mình. Bóng đá trẻ thì không có DN bỏ tiền tài trợ nên kinh phí tổ chức giải thường do VFF phải lấy từ nguồn kinh phí tự có, hoặc xã hội hóa để tổ chức. Mục đích cuối cùng của VFF cũng là để các cầu thủ trẻ có cơ hội trưởng thành, qua đó, tìm kiếm nhân tài cho các đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, nỗ lực của riêng VFF thôi là chưa đủ để tạo ra một hệ thống bóng đá trẻ bài bản, phát triển. Bản thân các đội bóng, đặc biệt là ông bầu vốn không tiếc tiền cho các hoạt động chuyển nhượng, làm thương hiệu cần phải thể hiện trách nhiệm vì tương lai của bóng đá trẻ. Tiếc một điều, bằng rất nhiều lý do, họ hoặc không làm bóng đá trẻ, hoặc có làm nhưng ở mức cầm chừng nên khi có cơ hội là từ chối tham dự giải trẻ. Trông cả vào địa phương Nhìn vào danh sách các đội bóng dự vòng loại U19 Quốc gia, người ta vẫn thấy làn sóng chủ đạo thuộc về các địa phương có truyền thống. Các trung tâm đào tạo trẻ hàng đầu như Thanh Hóa, Nghệ An, Viettel, Đồng Tháp, Long An, Thừa Thiên - Huế… vẫn gánh trách nhiệm giúp cho sân chơi không bị đổ vỡ khi một số đại gia từ chối dự giải. Nói cách khác, các đội tuyển trẻ vẫn phải tuyển chọn người từ các lò đào tạo nghèo khó nhưng rất chất lượng này. Không nhiều tiền như các đội bóng đại gia, các trung tâm trẻ vốn gắn liền với yếu tố địa phương vẫn kiên định thực hiện sự nghiệp trồng người một cách có trách nhiệm. Họ vẫn dành những khoản kinh phí ít ỏi nhưng ý nghĩa của mình cho công tác tuyển chọn, đào tạo và cử các đội tuyển trẻ thi đấu. Vậy nên, một trong những vấn đề mà giới chuyên môn nêu ra trong thời gian qua là đã đến lúc, VFF cần có sự hỗ trợ về tài chính cũng như chuyên môn để các lò đào tạo nghèo khó này không còn đơn độc. Họ cũng cần được đánh giá một cách khách quan về những đóng góp cho sự nghiệp chung. Người ta vẫn hay nói, bóng đá Việt Nam cần thay đổi tư duy và sớm định hình cách làm bóng đá căn bản. Sự căn bản ấy được tính dựa trên hệ thống đào tạo trẻ. Nhưng, nói thì rất hay, còn khi đi vào thực tiễn, không phải những gì các đại gia hứa hẹn đều được thực hiện, và sân chơi trẻ vẫn phải dựa vào tầm nhìn và trách nhiệm của những người làm bóng đá ở địa phương.