Bóng đá Việt Nam mất HCV AFF: Bơi ở ao tù, đừng mong nước sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội tuyển nữ Việt Nam đã không thể giành tấm HCV Đông Nam Á sau thất bại ở loạt đá luân lưu đầy may rủi.

Thế nhưng, sẽ chẳng có gì để nói nếu nữ trọng tài người Myanmar không từ chối bàn thắng của tuyển nữ Việt Nam ở loạt đá thứ 6 và sau đó, Thái Lan bước lên ngôi vô địch.

Trọng tài quốc tế bẻ còi

Ở trận chung kết, giữa Việt Nam và Thái Lan, đội bạn chính là những người mở được tỉ số trước. Tuy nhiên, đây là pha phản lưới nhà của hậu vệ Chương Thị Kiều bên phía tuyển Việt Nam. Bị dẫn bàn trước, các học trò của ông Mai Đức Chung vẫn không đánh mất tinh thần. Ngược lại, họ kiểm soát bóng nhiều hơn, liên tục dồn ép về phía phần sân của đối phương. Hàng loạt cơ hội ăn bàn được tạo dựng nhưng rất tiếc các nữ cầu thủ Việt Nam chỉ tận dụng được một lần thành công.
Một pha tranh bóng trong trận chung kết nữ Việt Nam - nữ Thái Lan.
Một pha tranh bóng trong trận chung kết nữ Việt Nam - nữ Thái Lan.
Hai đội phải bước vào thi đấu hiệp phụ. Trong suốt 30 phút thi đấu, dù lấn lướt hơn nhưng đội tuyển nữ Việt Nam không thể cụ thể hóa ưu thế của mình thành bàn thắng. Phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu nhưng các nữ cầu thủ Việt Nam không đánh mất tinh thần. Kết thúc 5 lượt đá, hai đội hòa nhau với tỷ số 3 - 3. Đến loạt sút thứ 6, cầu thủ Thái Lan không thực hiện thành công. Trên chấm 11m, Nguyễn Thị Liễu đã có cú sút bóng qua tay thủ môn Thái Lan xoáy ngang qua vạch vôi. Trọng tài người Myanmar ban đầu đã công nhận chiến thắng thuộc về Việt Nam nhưng sau đó bất ngờ bẻ còi. Pha quay chậm sau cũng như các dữ liệu phân tích hình ảnh cho thấy, bóng đã lăn qua vạch vôi nhưng chiến thắng chung cuộc đã thuộc về đội tuyển Thái Lan.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Sau trận thua, các nữ cầu thủ Việt Nam đã đổ lệ vì ấm ức. Nhiều cầu thủ tính không bước lên bục nhận huy chương để phản đối. Tuy nhiên, sự cố này đã không xảy ra khi được lãnh đạo VFF động viên. Dư luận tại Việt Nam thì sôi sục chỉ trích nữ trọng tài người Myanmar đã quá thiên vị đội Thái Lan. Thậm chí, người ta còn thống kê được, những lần bắt trận đấu có đội tuyển nữ Việt Nam trọng tài này thường có thiên hướng thiên vị đối thủ.

Cơn thịnh nộ nhắm vào tổ trọng tài điều khiển trận đấu là tất yếu. Nhưng, khi tham dự đấu trường vốn được mệnh danh là “ao làng” thì bạn không thể đòi hỏi vào sự chuyên nghiệp mang tính hình mẫu. Vẫn còn đâu đó những sai lầm, những toan tính nhằm phục vụ những lợi ích khác nhau. Vì vậy, đội tuyển nữ Việt Nam hay bất cứ đội bóng nào khác phải xác định được tâm thế của người đủ khả năng để bơi trên “nước đục” và về đích an toàn. Muốn vô địch, bạn phải mạnh hơn đối thủ về mọi mặt. Một khi thế và lực mới chỉ dừng lại ở mức 50/50 thì chẳng có gì đảm bảo về chiến thắng.

Trở lại với trận đấu của đội tuyển nữ Việt Nam, ông Mai Đức Chung và các học trò sẽ phải tiếc nuối, thậm chí trách bản thân mình vì đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Họ kiểm soát hoàn toàn thế trận nhưng không thể biến chúng thành bàn thắng. Minh Nguyệt, cầu thủ ghi bàn thắng quý giá cho đội tuyển nữ Việt Nam lẽ ra phải ghi được 4 - 5 bàn thắng bởi chị đã có tới hơn 10 cơ hội ngon ăn. Vậy nên, khi những cơ hội đã trôi qua mũi giầy các nữ tuyển thủ Việt Nam một cách đáng tiếc thì những sai số về chuyên môn, thậm chí áp lực về tâm lý sẽ ùa đến. Thất bại trong một trận cầu như vậy cũng chẳng có gì là ngạc nhiên. Vậy nên, thay vì đổ hết lỗi cho trọng tài, các nhà chuyên môn hãy giúp các cầu thủ biết cách tỏa sáng ở thời điểm quyết định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần