Bầu Đức có đồng minh Mới đây, bầu Đức đã thành công trong việc lôi kéo một đối tác chiến lược của mình tham gia đào tạo trẻ. Đó là một DN kinh doanh ở lĩnh vực thực phẩm và hiện đang là nhà tài trợ chính của HAGL với số tiền lên đến 15 tỷ đồng/năm. Bầu Đức đã thuyết phục thành công đối tác của mình bằng chính thực tế bản thân. Thương hiệu bản thân, thương hiệu DN HAGL đã tăng với cấp số nhân kể từ khi ông Đức dấn thân vào bóng đá và đặc biệt là liên kết với Arsenal thành lập học viện bóng đá. Cuối cùng, đối tác chiến lược của bầu Đức đã chấp nhận tham gia cuộc chơi tốn kém và dự định sẽ mở học viện bóng đá tại TP Hồ Chí Minh. DN này cũng cam kết sẽ đầu tư cho bóng đá trong 10 năm với một khoản kinh phí đủ để duy trì học viện bóng đá. Tất nhiên, quy mô của học viện này sẽ nhỏ hơn của bầu Đức và nó sẽ hướng đến mục tiêu cung cấp cầu thủ cho thị trường quốc tế, hoặc thành lập một đội bóng chuyên nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Không chỉ có bầu Đức và đối tác của mình tính thành lập học viện. Ở Hà Nội, Tập đoàn Viettel cũng đã khánh thành trung tâm huấn luyện trị giá hàng trăm tỷ đồng. Chưa hết, họ dự tính sẽ liên kết với CLB Dortmund của Đức thành lập học viện bóng đá. Trong khi đó, Bình Dương cũng tính cùng Inter Milan mở lớp đào tạo trẻ, còn VFF sẽ liên doanh với đội bóng Manchester City. Nhiều người hy vọng, nếu những kế hoạch hoành tráng này được thực hiện, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ được nâng tầm chất lượng. Bởi lẽ, công tác tuyển chọn, huấn luyện của các đội bóng hàng đầu thế giới khác hẳn với công nghệ đang có của Việt Nam. Đặc biệt, khi các đội bóng chơi sang, họ sẽ chấp nhận đầu tư để nâng cao hệ thống sân bãi, chế độ dinh dưỡng, học tập văn hóa cho cầu thủ. Đường còn xa Bóng đá Việt Nam rất cần những mô hình điểm. Nhưng cái khó để biến những bản kế hoạch trên giấy thành hiện thực là một khoảng cách rất xa. Sự đầu tư của DN cho học viện là vô cùng lớn. Từ tiền thuê HLV, trả bản quyền, tuyển sinh, nuôi dạy cầu thủ đến hệ thống cơ sở vật chất đòi hỏi một số tiền rất lớn và liên tục phải đầu tư trong một thời gian dài. Khó khăn lớn nhất và có thể trở thành rào cản khiến các ông bầu không thể thực hiện việc liên kết với nước ngoài đào tạo trẻ chính là quỹ đất để xây học viện. Ở các TP lớn, để có được một học viện thì phải có vài héc ta đất. Mà, quy ra tiền, giá thành của khu đất có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Nếu không có cơ chế đặc thù, một DN dù lớn cũng khó có thể bỏ ra một lúc để đầu tư cho bóng đá. Vậy mới nói, con đường để các học viện bóng đá thành hiện thực còn rất xa. Mà để một lứa cầu thủ thành tài phải mất đến 7 - 8 năm đào tạo, nên hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn phải dựa vào những trung tâm truyền thống như SLNA, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Đà Nẵng hay Hà Nội. Và điều cần phải làm ngay lúc này là VFF cần sớm có một giám đốc kỹ thuật để có thể hỗ trợ các đội bóng về chuyên môn cũng như hệ thống hóa lối chơi cho các đội tuyển quốc gia. Và đó cũng là việc thiết thực, sớm mang đến hiệu quả cho nền bóng đá lúc này thay vì ngồi mơ về một tương lai còn rất xa nữa.