“Bông hồng thép” kể chuyện phá án

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngày ròng rã, lần theo dấu vết tội phạm, cải trang để tiếp cận đối tượng hay ăn lương khô và uống nước suối cầm hơi, mật phục đối tượng trong những ngày mưa dầm gió bấc,… là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của thiếu tá Trần Thị Thu Hằng.

Với chị, mỗi chuyên án không chỉ là nỗi gian truân trên những cung đường tầm nã tội phạm, mà còn là một thách thức mà bản thân muốn chinh phục.
Được gán cho cái tên thân thương là “ông”
Vào một buổi chiều muộn của ngày đầu Đông, chúng tôi đến thăm mái ấm của thiếu tá Trần Thị Thu Hằng - Đội phó Đội cảnh sát Điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), người vừa được trao danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016”. Chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối. Chia sẻ với tôi, chị bảo, đây có lẽ là công việc yêu thích nhất sau mỗi chuyên án. Thế nhưng không phải bữa cơm nào cũng được trọn vẹn bên người thân. Có khi chỉ làm xong mâm cơm nóng, viết vội vài dòng chữ cho gia đình, chị lại lên đường làm nhiệm vụ. “Do đặc thù của công việc, phải liên tục đi công tác xa nhà, thời gian dành cho gia đình bị hạn chế. Cũng may là chồng, con đều thông cảm” - chị chia sẻ.

Thiếu tá Trần Thị Thu Hằng (ngoài cùng bên phải) nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016”. Ảnh: Hà Linh

 Có người nghĩ, làm nữ trinh sát ma túy thì khó có một hình thức… mềm mại. Nhưng thiếu tá Hằng lại khác. Sở hữu dáng người nhỏ nhắn, chị lại có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt bồ câu đen tròn, thao tác nhanh nhẹn..., nhìn chị, khó ai hình dung ra đó là một nữ cảnh sát phòng chống ma túy lão luyện. 16 năm gắn bó với nghề, đã từng vật lộn với không ít trùm buôn ma túy to cao và khóa tay an toàn nhiều tên tội phạm cộm cán. Nhưng là phụ nữ, bên cạnh bản lĩnh và “bàn tay thép” trong việc truy bắt và xử lý tội phạm, thiếu tá Hằng vẫn có những trăn trở và cách làm án theo kiểu… phụ nữ. Chị đùa rằng, các chị em làm công tác trinh sát ma túy thường được mọi người gán cho cái tên thân thương là “ông”, bởi khi vào trận, họ cũng dũng mãnh như nam giới vậy.
Khi được hỏi tại sao là phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại chọn nghề trinh sát, chị Hằng cười xòa: “Chắc tại duyên đó mà! Nghề chọn mình chứ mình có chọn nghề đâu”. Thấy chúng tôi có vẻ vẫn tò mò, chị tiếp tục: “Nói vậy thôi, mình đến với ngành bắt nguồn từ niềm đam mê từ ngày còn thơ ấu. Cuộc đời làm trinh sát phòng chống ma túy, lại là nữ thì phải chịu nhiều thiệt thòi lắm. Vì vậy, đã xác định làm nghề là phải vượt qua nỗi sợ và đôi khi phải dám liều, đối mặt với hiểm nguy. Nói thì dễ nhưng để phá những vụ án như này ngoài sự đam mê, yêu nghề cũng đòi hỏi bản thân phải có tính kiên nhẫn, nhất là khi chắt lọc, thu thập thông tin hữu ích bên chồng tài liệu dày cộp…”.
Dấn thân vào nghề, trải qua nhiều nguy hiểm, thấm thoắt 16 năm, chị đã phát hiện nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Có những vụ án chỉ vỏn vẹn mỗi tang vật “vô chủ” cùng thông tin nhỏ giọt “làm khó” các trinh sát ma túy, chị phải đóng nhiều vai khác nhau, nằm vùng để phá án. Có vụ án, chị cùng đồng đội liên tục trinh sát vào ban đêm, phải ăn bờ ngủ bụi, liên tục nhai lương khô cầm hơi, điện thoại di động ngoài vùng phủ sóng… nhưng chị cùng anh em không nề hà gian khó, vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong câu chuyện của mình, chị kể đến chuyên án về 5 bánh ma túy bị "bỏ quên" ở Bến xe Mỹ Đình cuối năm 2014. Đây là một vụ án tưởng chừng như đi vào ngõ cụt khi thông tin ít ỏi, nhưng nhờ sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, chị và đồng đội đã lần ra được đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh và bắt chúng phải chịu tội trước pháp luật.
Chị chia sẻ, vào một buổi tối ngày cuối tháng 10/2014, Trạm cảnh sát Bến xe Mỹ Đình tiếp nhận  một túi xách màu đen có chứa quần bò, áo khoác và 5 bánh heroin, trọng lượng 2kg. Xác định đây không phải là chuyện “bỏ quên” tình cờ mà có thể một liên quan đến đường dây buôn bán ma túy lớn, lãnh đạo đã tin tưởng giao cho chị phụ trách chuyên án. Ngay sau khi chuyên án được thành lập, chị đã trực tiếp cùng các đồng đội áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tỉ mỉ tìm kiếm thông tin ít ỏi tại hiện trường và những dấu vết dù là nhỏ nhất, cuối cùng chân dung những kẻ mua bán "cái chết trắng" dần lộ diện... Vượt qua chặng đường dài có mặt tại các tỉnh cùng nhiều đêm trắng nghiên cứu tài liệu thu thập được từ trước, chị và các đồng đội nhanh chóng xác định ra đối tượng Giàng A Đua, trú tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình, là chủ nhân đã bỏ "quên" 5 bánh ma túy tại Bến xe Mỹ Đình. Sau nhiều ngày lần theo dấu vết, ở nơi núi rừng cheo leo, hiểm trở với thời tiết vùng cao thêm khắc nghiệt khi trời mưa tầm tã, chị và đồng đội quyết định triển khai vây bắt vì nghi ngờ khả năng “con mồi” có thể bỏ trốn. Trong bóng tối, anh em trinh sát áp sát bất ngờ, chỉ một động tác võ thuần thục, hai tay hắn đã bị bẻ quặt, nằm gọn trong chiếc còng số tám đã mở khóa sẵn. Và từ đây đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến nhiều tỉnh, trải rộng từ Lào, Sơn La, Hà Nội, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc nhanh chóng bị triệt xóa trong vòng 20 ngày.
Niềm vui lớn bên gia đình nhỏ
Vất vả và có không ít thiệt thòi, nhưng “bóng hồng” ấy vẫn tìm cho mình được những niềm vui lớn bên gia đình nhỏ. Với nữ trinh sát Hằng, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đôi khi chị không thể làm được những công việc bình dị nhất của một người vợ, người mẹ. Bởi những chuyến công tác dài ngày, bao lần đối mặt với bọn tội phạm côn đồ, liều lĩnh, áp lực công việc đã khiến nữ trinh sát ma túy - người vợ, người mẹ trong gia đình phải thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư. Đó là sự đe dọa trả thù của bọn tội phạm, không chỉ với chị, mà còn với gia đình, con cái. Đó là nỗi lo lắng khi chẳng may bị dính máu của bọn tội phạm nhiễm căn bệnh HIV/AIDS…
Câu chuyện với thiếu tá Hằng như bị ngắt quãng khi chị nhắc tới gia đình. Chị bảo, công việc lúc nào cũng bận bịu, bản thân lại đang nuôi con nhỏ nên những ngày nghỉ, chỉ thèm được ở bên gia đình. Thế nhưng với chị, không phải lúc nào niềm hạnh phúc cũng được trọn vẹn bên người thân. Nhắc đến 2 con, giọng chị trùng xuống. Tuy các con chị đều còn nhỏ nhưng đã phải học cách tự lập vì đã “quen” với việc bố mẹ thường xuyên vắng nhà, rồi những bữa cơm vội, hay những cái Tết không trọn vẹn. Đã bao lần, tim chị nhói buốt khi biết những đêm dài, con khóc ngằn ngặt, vì bị cai sữa đột ngột, do mẹ phải đi công tác dài ngày. Đã nhiều lần, người phụ nữ gan dạ, dám “xông pha” trên mọi trận chiến phải rơi nước mắt trước những câu nói ngây thơ của con nhỏ. Đêm đêm nhìn hai đứa con thơ ngủ say, chị lại ngẩn ngơ lo nếu chẳng may mình có mệnh hệ nào… Chính vì lẽ đó, chị Hằng luôn canh cánh trong lòng cảm giác có lỗi với các con.
Nhưng chị vẫn may mắn hơn nhiều nữ chiến sỹ trong lực lượng Công an Nhân dân khi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tuyệt đối từ phía người bạn đời cùng công tác trong lực lượng vũ trang (quân đội). Chị cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi đi công tác xa nhà, anh lại thay chị làm tròn bổn phận của người mẹ với hai  con.
Ngồi nghe chị kể chuyện đời, chuyện nghề, dù ngắn ngủi nhưng tôi vẫn thấy cay cay nơi sống mũi về sự hy sinh thầm lặng cho công việc và cuộc sống của người phụ nữ này. Chị chấp nhận gian khổ, chấp nhận khó khăn thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và hạnh phúc gia đình để  cuộc sống và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần