Brazil khi ấy đang thống trị thế giới và họ trình diễn một thứ bóng đá đẹp mắt, nhưng do xem nhẹ người hàng xóm Uruguay nên họ chỉ cử CLB Palmeiras tham dự. Không cần Pele, chẳng cần đến Garrincha, Brazil vẫn thắng đậm. Rinaldo ghi bàn từ chấm 11m, Tupazinho và Germano cũng lập công giúp Selecao thắng 3-0.
Không Samba, chẳng "Joga Bonito"
Gần nửa thế kỷ sau, Brazil gặp lại Uruguay cũng trong một trận đấu ở Mineirao. Mọi thứ đã khác xưa rất nhiều, đội chủ nhà Brazil đã không còn thống trị thế giới và lối chơi cũng chẳng còn đẹp mắt như xưa. Ngược lại, họ trở nên xù xì, xấu xí và thực dụng.
Đó là hệ quả của cuộc cách mạng được khởi xướng bởi Alberto Parreira, tiếp nối bởi Felipe Scolari và kết thúc bởi bộ đôi ấy. Trong hai chức vô địch thế giới gần nhất, "vàng xanh" đều không thể thuyết phục được người hâm mộ khó tính. Năm 1994, Selecao sau hai thập kỷ thất bại đã đăng quang tại Mỹ bằng thứ bóng đá thực dụng và cơ bắp của Parreira. Người Brazil tìm đến Parreira như một lời giải cho bài toán thành công và tạm quên đi ý niệm về "Joga Bonito" (bóng đá đẹp).
Người Brazil luôn phải đấu tranh để chọn lựa giữa một bên là bóng đá đẹp nhưng hiệu quả thấp và một bên là bóng đá xấu xí nhưng khả năng chiến thắng cao. Parreira ra đi ngay sau khi nhiệm vụ hoàn tất nhưng cứ mỗi lần thất bại, Brazil lại gọi tên ông. Năm 2000, Brazil sa thải Vanderlei Luxemburgo và mời Parreira nhưng HLV người Rio de Janeiro từ chối. Một năm sau lại xuất hiện ý kiến nên thay Scolari bằng Parreira sau kỳ Copa America thất bại nhưng Parreira chỉ nhận lời làm "người hỗ trợ gián tiếp" cho "Big Phil". Sự cộng tác ấy mang tới chức vô địch World Cup 2002.
Sự giao thoa của bóng đá
Khi cuộc cách tân của Mano Menezes thất bại, Brazil lại tìm đến bộ đôi ấy, một người là HLV, người kia là giám đốc kỹ thuật, cho mục tiêu vô địch thế giới lần thứ 6 trên sân nhà. Brazil trở về với thời kỳ thực dụng.
Trên thực tế thì những cuộc cách mạng kiểu Menezes chỉ là những làn gió phảng phất, hình ảnh thường thấy ở Selecao hai thập kỷ qua là bộ mặt xù xì, thô ráp. Sự đổi thay của bóng đá Brazil hòa chung cùng sự đổi thay của bóng đá Nam Mỹ. Trước kia các đội tuyển Nam Mỹ thường triển khai tấn công chậm chạp, rườm rà và thiên về sử dụng kỹ thuật cá nhân để qua người. Mọi thứ hoàn toàn thay đổi trong những năm gần đây, khi các đội bóng chơi tốc độ hơn và thiên về thể lực nhiều hơn. Một cách khái quát, Nam Mỹ đang chơi theo phong cách châu Âu.
Có thể nhận thấy hình ảnh ấy ở Brazil, Uruguay, Paraguay, Colombia hay Ecuador. Argentina là đội tuyển bảo tồn phong cách Nam Mỹ tốt nhất nhưng trong đội hình vẫn có những cầu thủ "thuần Âu" như Mascherano, Tevez. Tại Confed Cup 2013, thật ngạc nhiên khi Brazil và Uruguay lại là những đội bóng phạm lỗi nhiều nhất (67 và 52 lỗi), trong khi "fair play" nhất là Tahiti, chỉ 19 lỗi. Càng ngạc nhiên hơn như những cầu thủ gắn mác "nghệ sĩ" lại là những người chặt chém dữ dội nhất, Neymar đầu bảng với 13 lỗi, Oscar thứ nhì với 9 lỗi, Luiz Gustavo (8), Hulk (6), Fred (5)...
Sự giao thoa ấy là hệ quả của việc những cầu thủ tốt nhất Nam Mỹ đều tìm đến châu Âu chơi bóng. Brazil tại kỳ Confed Cup này thường xuyên chơi với 9/11 cầu thủ đã và đang thi đấu ở châu Âu. Uruguay cũng chỉ đem đến giải đấu 7 cầu thủ đang chơi tại Nam Mỹ. Ngay cả những cầu thủ chưa xuất ngoại cũng được đào tạo theo phong cách châu Âu để thu hút các CLB bên kia bờ Đại Tây Dương. Các HLV cũng được "Âu hóa", cả Scolari và Oscar Tabarez đều đã có thời gian làm việc tại cựu lục địa.
Đối nghịch với quá trình ấy là sự thay da đổi thịt của bóng đá châu Âu, khi lối chơi tấn công cởi mở lên ngôi ở những đội tuyển lớn như Đức, Hà Lan, Italia và đặc biệt là TBN. Đó là hệ quả của một quá trình dài lâu, khi cầu thủ châu Âu dần thay đổi dưới ảnh hưởng của đồng nghiệp Nam Mỹ, và các HLV cũng tích cực truyền bá phong cách cổ điển tại cựu lục địa, điển hình là Pellegrini, Bielsa…
Mặc dù lối chơi đã trở nên khô khan nhưng cả Brazil và Uruguay đều sở hữu những ngôi sao có khả năng tỏa sáng để quyết định trận đấu. Lối chơi của hai đại diện Nam Mỹ có thể không đẹp nhưng những tình huống cụ thể lại đầy ấn tượng. Uruguay sở hữu 3 họng pháo siêu hạng Forlan, Suarez, Cavani mà ai cũng có thể bùng nổ. Brazil có Neymar, người đang lột xác dưới chiến thuật của Scolari với 6 bàn thắng trong 10 trận. "Tiểu Pele" là chân sút xuất sắc thứ ba của Brazil phiên bản Scolari, sau Ronaldo (9 bàn) và Rivaldo (8 bàn).
Lần đầu tiên sau nhiều năm Uruguay gặp Brazil trong bối cảnh mà họ trội hơn về nhiều mặt: đứng cao hơn trên bảng xếp hạng FIFA, xuất sắc hơn trong kỳ World Cup gần nhất và là ĐKVĐ Copa America. Liệu nền tảng ấy có giúp họ gây ra một cơn địa chấn mới, như chiến thắng lịch sử ở Maracana năm 1950?