Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BRICS tìm cách thiết lập vị thế tài chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 ngày (15 – 16/7), tại Thủ đô Brasilia, Brazil, lãnh đạo cấp cao của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 với mục tiêu đầy tham vọng là thiết lập định chế tài chính nhằm cân bằng đối trọng với Mỹ và phương Tây.

Theo chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo của nhóm tiếp tục bàn thảo và ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Dự trữ tiền tệ chung (CRA), công bố Chủ tịch đầu tiên của NDB với nhiệm kỳ 5 năm. Nếu như NDB được thành lập nhằm cung cấp nguồn lực cho các thành viên xây dựng cơ sở hạ tầng thì CRA ra đời để cung cấp công cụ tín dụng cho các nước BRICS khi xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn đến việc hình thành các định chế tài chính này là nhằm làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vốn do Mỹ và phương Tây nắm vai trò chi phối.

Trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008, các nước BRICS đã cho rằng, sự chậm trễ trong cải cách của WB và IMF khiến các định chế này không đối phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thị trường toàn cầu và mong muốn xây dựng một trật tự tài chính và kinh tế thế giới công bằng hơn. Nếu NDB cung cấp tiền không chỉ cho các nước thành viên BRICS mà để ngỏ cơ hội tiếp cận vốn cho cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, ảnh hưởng của nhóm trên trường quốc tế chắc chắn sẽ tăng lên. Không những thế, sự ra đời của NDB sẽ trở thành biểu tượng của sức ảnh hưởng ngày càng lớn của BRICS - điều mà Nga chờ đợi từ lâu, nhất là sau khi bị phương Tây áp đặt các đòn trừng phạt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Vai trò của NDB và CRA rõ ràng là rất lớn nhưng là nhóm các quốc gia có lợi ích khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau nên liệu định chế tài chính này có vận hành hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, từ khi Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng này trong cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính của nhóm tại Mexico năm 2012, các cuộc đàm phán con thoi đã diễn ra trong suốt hơn 2 năm sau đó nhưng tỷ lệ vốn góp và nơi đặt trụ sở NDB vẫn còn nhiều bất đồng. Ngoài ra, theo các chuyên gia tài chính, để CRA hoạt động hiệu quả sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Dù chi tiết về mặt kỹ thuật có thể được nhanh chóng thống nhất giữa các thành viên trong thời gian tới, nhưng CRA chỉ có thể hoạt động sau khi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn... Bên cạnh đó, số vốn đóng góp 100 tỷ USD chỉ chiếm 2,2% trong tổng số 4,3 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại hối của khối BRICS được cho là chưa đủ lớn để biến các mục tiêu của quỹ thành hiện thực.

Ngoài đại diện của 5 nước thành viên, Argentina cũng tham dự Hội nghị với tư cách là khách mời của Nga. Điều đáng nói là tại Hội nghị lần này, các quốc gia BRICS cũng thảo luận về việc mời Argentina trở thành thành viên thứ 6 của nhóm.