Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bữa tiệc văn hóa chào năm mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn gần một tuần nữa mới đến thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, tuy nhiên, các chương trình nghệ thuật đã nhộn nhịp lên khuôn để cùng người dân, từ nội thành đến các huyện ngoại thành Thủ đô đón chào năm 2015.

Theo thông tin mới nhất từ Sở VHTT&DL Hà Nội, đơn vị đã xây dựng 50 tiết mục nghệ thuật biểu diễn trải dài từ Quảng trường Cách mạng tháng Tám, sân khấu trước cửa đền Bà Kiệu, sân khấu hồ Thiền Quang đến nhà văn hóa của các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Mê Linh…

 
Một cảnh trong vở cải lương “Trọn đời trung hiếu đất Thăng Long”.
Một cảnh trong vở cải lương “Trọn đời trung hiếu đất Thăng Long”.
Dù là dịp Tết dương lịch, nhưng “bữa tiệc” nghệ thuật của nghệ sĩ gửi đến người dân 30 quận, huyện cũng “đủ món đặc sản” như: Trích đoạn chèo “Thị Màu lên chùa”, tiểu phẩm “Bá Kiến”, hay những khúc ngân ca đặc sắc của vở cải lương “Trọn đời trung hiếu đất Thăng Long”, đến các câu hát ca ngợi Đảng, mùa xuân, tình yêu quê hương đất nước và đặc biệt là những giai điệu ngọt ngào về Hà Nội. Những nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thúy Mùi, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Tấn Minh… cho đến dàn “sao” trẻ như Thục Khánh, Quốc Phòng… đều không nề hà hát phục vụ người dân Thủ đô trong hai ngày 31/12/2014 và 1/1/2015.

Bên cạnh sân khấu quần chúng, các trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn của Hà Nội cũng “sáng đèn” từ ngày 27/12. Nhân dịp này, nhiều đơn vị tổ chức không chỉ mong muốn mang đến cho khán giả những xúc cảm âm nhạc mà dành những phút lắng lòng cho tinh thần thiện nguyện. Nhờ những mục đích gây quỹ xây dựng trường học cho trẻ em vùng Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu hay ủng hộ các hộ gia đình nghèo của tỉnh Quảng Bình mà chương trình “Cơn bão” hay “Gửi nắng cho em” diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ và Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 27/12 thêm phần ý nghĩa. Một “Khúc tình xưa” diễn ra vào ngày 29 và 30/12 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội cũng sẽ đủ đưa khán giả Thủ đô về không gian lãng mạn của âm nhạc. Trở về hát trong những ngày Đông, Hồng Nhung - Lệ Quyên, hai giọng ca nữ gốc Hà Nội mong muốn thắp ngọn lửa ấm áp trong lòng khán giả Hà Nội yêu nhạc. Hồng Nhung thể hiện các ca khúc: “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Hạ trắng”, “Bống không là Bống”, “Tình khúc 24”, “Im lặng đêm Hà Nội”… Lệ Quyên với chất giọng nức nở nhưng luôn chứa đựng khát khao, sẽ thổi hồn vào các tác phẩm có sự pha trộn giữa yếu tố truyền thống dân gian và nhạc nhẹ như: “Tình lỡ”, “Thu ca”, “Ai khổ vì ai”, “Sầu lẻ bóng”, “Người tình”…

Không chỉ có âm nhạc lắng đọng trong ngày đầu năm mới mà tiếng cười của “Xóm hóng” cũng sẽ là một điểm nhấn trong bữa tiệc nghệ thuật đầu năm này. Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Chí Trung đã dành không ít thời gian để lựa chọn kịch bản các tiểu phẩm cho chuỗi hài kịch “Từ đời cười đến… phố cười”, dù anh đã “lành nghề” trên sân khấu lẫn ở vị trí “ông bầu” trong làng hài. 5 cư dân ưu tú của “Xóm hóng” – 5 gương mặt hài đã có thương hiệu (Chí Trung, Vân Dung, Đức Khuê, Minh Hằng, Hương Tươi) sẽ mang niềm vui cùng những suy ngẫm về đời thường đến cho khán giả qua câu chuyện mượn răng, câu chuyện về anh chàng Ngơ… Độc đáo còn nằm ở những màn kết nối các tiểu phẩm của nhạc sĩ du ca Trương Quý Hải khi anh mang lên sân khấu các ca khúc về Răng và Lưỡi của chính mình. Bàn tiệc nghệ thuật chào năm mới ở Thủ đô còn có cả Gala xiếc hội tụ các tiết mục đặc sắc nhất của làng xiếc Việt – những tiết mục đã đoạt huy chương trong những lần xiếc Việt “mang chuông đi đấm xứ người”.

Vậy là, dù hài kịch có bão hòa, sân khấu ca nhạc có “cầm chừng” do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thì vẫn phải ghi nhận nỗ lực và sự dũng cảm của những người làm nghệ thuật để mang lại cho khán giả một bữa tiệc phong phú trong ngày đầu năm mới.