Bức tranh lao động, việc làm ở Việt Nam thời Covid-19

Nguyễn Văn Phái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thất nghiệp vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề xã hội, được các nhà kinh tế và các nhà lập chính sách hết sức quan tâm. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, thị trường lao động, việc làm ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung lại càng chịu nhiều tác động lớn.

Người lao động xếp hàng dài từ sáng sớm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để chờ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sáng 10/6/2020. Ảnh: Phạm Hùng

Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp so với thế giới

Khái niệm thất nghiệp của nước ta cơ bản giống với khái niệm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ có một điểm khác là khái niệm của ILO không nêu rõ thời gian quan sát là bao lâu, còn ở Việt Nam, khoảng thời gian này là 7 ngày. Kết quả của của các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng như các cuộc điều tra Lao động việc làm hàng năm do Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT thực hiện đều cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thường rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động trong hơn một chục năm qua đều ở mức dưới 3%. Năm 2010 là năm có tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động cao nhất trong thời gian này cũng chỉ ở mức 2,91%, còn năm thấp nhất, năm 2012, tỷ lệ này chỉ có 1,91%.

Hình 1. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động chia theo khu vực thành thị, nông thôn, Việt Nam, 2010-2021. Đơn vị tính: %

Mặc dù đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ hơn chục năm qua, nhưng do hệ thống bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung tại Việt Nam chưa hoàn thiện để phục vụ tốt người lao động. Do vậy, đa số người dân phải làm mọi việc có thể để tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thường thấp hơn so với các nước phát triển. Đây cũng là tình trạng chung trên thế giới. Đa phần dân số Việt Nam cư trú ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn lại thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (xem Hình 1). Sự khác biệt về cơ hội tiếp cận thông tin về việc làm, trình độ chuyên môn kỹ thuật và khả năng lựa chọn công việc linh hoạt của người lao động là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thanh niên chiếm tỷ trọng khá lớn trong số người thất nghiệp và luôn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với dân số nói chung. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, số thanh niên (15 đến 24 tuổi) thất nghiệp là 398,9 nghìn người, chiếm 34% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn đều lớn hơn nhiều so với toàn bộ dân số.

Hình 2. Tỷ lệ thất nghiệp của dân số trong độ tuổi lao động và của thanh niên (15-24 tuổi) 6 tháng đầu năm 2021 chia theo hu vực thành thị, nông thôn. Đơn vị: %

Các số liệu trong Hình 2 cho thấy, cả khu vực thành thị lẫn khu vực nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đều cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của toàn bộ dân số trong độ tuổi lao động trên dưới 3lần.

Dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật khác nhau cũng có tỷ lệ thất nghiệp rất khác nhau. Số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã cho thấy, người có trình độ trên đại học có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất (0,6%), tiếp theo là người có trình độ chuyên môn sơ cấp (1,3%), còn dân số có trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (3,19%); người có trình độ đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ 2 (2,61%). Cả khu vực thành thị lẫn khu vực nông thôn đều có tình trạng này.

 

Tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng và đại học nói chung đều cao. Điều này là do người có trình độ chuyên môn thấp thường sẵn sàng làm các công việc giản đơn và không đòi hỏi chuyên môn cao với mức lương thấp, trong khi người có trình độ chuyên môn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc có mức lương phù hợp hơn. Ngoài ra, chính sách tuyển lao động của các nhà tuyển dụng đối với nhóm lao động có trình độ cao cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ này, bởi yêu cầu đối với lao động đã qua đào tạo ở các trình độ càng cao càng khắt khe so với lao động giản đơn.

Thị trường lao động bị tác động lớn bởi đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực đến tình trạnh thất nghiệp của dân số Việt Nam trong hai năm qua. Hình 1 cho thấy, bắt đầu từ năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm cho đến năm 2019, tuy không nhiều. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi bắt đầu có đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp đã liên tục tăng lên. Hiện tượng này diễn ra đối với toàn bộ dân số cũng như cả khu vực thành thị lẫn khu vực nông thôn, nhưng rõ nhất là ở khu vực thành thị. Đại dịch đã góp phần làm cho số DN, cơ sở kinh doanh rút khỏi thị trường tăng cao. Cũng do đại dịch, nhiều DN, cơ sở kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên bắt buộc phải cắt giảm lao động.

Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH đánh giá, trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với DN được thành lập mới, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (có 79,7 nghìn DN rút khỏi thị trường, 75,8 nghìn DN thành lập mới). Số DN rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chưa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo...

Tình trạng thất nghiệp luôn tác động tiêu cục đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người lao động. Để giảm bớt tình trạng thất nghiệp của người lao động, cần phối hợp hàng loạt các giải pháp cả phía Nhà nước cũng như bản thân người lao động: Nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước cũng như các công cụ tìm việc hiệu quả nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động. Tăng cường đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực.

Nhà nước cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên, lao động trẻ, nhất là những người đang thất nghiệp tích cực học tập, nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế phát triển. Thực hiện các chính sách kích thích tổng cầu, kéo theo tăng GDP, chống suy thoái kinh tế. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, mở rông qui mô sản xuất cũng như thành lập mới thông qua các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để số DN, kèm theo đó là số lao động, thành lập mới cao hơn số DN rút khỏi thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần