Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức tranh màu tối về thị trường việc làm của Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do kinh tế đang chậm chạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, nên phải mất nhiều năm nữa Chính phủ Mỹ mới có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức như thời kỳ trước khủng hoảng.

KTĐT - Do kinh tế đang chậm chạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, nên phải mất nhiều năm nữa Chính phủ Mỹ mới có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức như thời kỳ trước khủng hoảng.

Theo các nhà phân tích, bức tranh thị trường việc làm Mỹ trong những tháng tới vẫn chỉ là gam màu tối trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang ngấp nghé mức 2 chữ số và sẽ còn tăng mạnh trong tháng 10.

Theo Viện nghiên cứu Gallup, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng mạnh từ mức 9,6% lên 9,7-9,9% vào tháng 10. Còn số người làm việc bán thời gian tìm việc làm cả ngày cũng đáng lo ngại bởi một phần trong số đó có thể mất việc làm, trở thành thất nghiệp. Về lâu dài, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm nhưng với tốc độ chậm.

Do kinh tế đang chậm chạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, nên phải mất nhiều năm nữa Chính phủ Mỹ mới có thể đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức như thời kỳ trước khủng hoảng.

Hai nhà kinh tế cao cấp Oya Celasun và Evridiki Tsounta từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tiến trình phục hồi trên thị trường việc làm của Mỹ có thể sẽ diễn ra chậm do cầu lao động vẫn trì trệ. Nhưng tới giai đoạn 2012-2013 tình hình sẽ được cải thiện và giúp kéo lệ thất nghiệp xuống mức thấp hơn trong những năm sau đó.

IMF tỏ ra không lạc bằng giới phân tích khi nhận định tỷ lệ thất nghiệp năm tới của Mỹ sẽ vào khoảng 9,6% so với con số 9,4% mà phần lớn các nhà kinh tế đưa ra. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm dần xuống dưới 9% vào năm 2012 và năm sau đó sẽ là 8%.

Như vậy cũng có nghĩa là 6 năm sau khi kinh tế rơi vào suy thoái tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn cao hơn trước khi xảy ra suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp cao "góp phần" làm tăng tỷ lệ nghèo khổ và từ đó kéo khoảng cách giàu nghèo trong xã hội tăng theo.

Theo số liệu mới công bố, số hộ gia đình sống trong cảnh nghèo (gia đình bốn nhân khẩu có thu nhập dưới 22.000 USD/năm) đã tăng lên 14,3% vào năm 2009 so với 13,2% một năm trước đó. Con số đó có thể tăng cao hơn, nếu nền kinh tế không sớm chuyển biến theo hướng sáng sủa hơn.

Trái lại số người gia nhập tầng lớp triệu phú Mỹ lại ngày càng đông lên. Theo Phoenix Affluent Marketing Service, số hộ gia đình có giá trị tài sản từ 1 triệu USD trở lên đã tăng 8% trong vòng 12 tháng từ tháng 5/09 tới tháng 5/2010.

Theo chuyên gia Isabel V. Sawhill từ Viện Brookings Institution, thất nghiệp không tác động đồng đều tới mọi người. Nó tác động mạnh hơn tới những người có trình độ thấp, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm. Do vậy có thể dự đoán suy thoái dẫn tới sự bất bình đẳng nhu nhập lớn hơn và chênh lệch giàu nghèo cũng nới rộng hơn. Còn những người có thu nhập cao hơn dường như "miễn dịch" trước suy thoái kinh tế nên tác động của nó tới họ ít nghiêm trọng hơn.

Theo cố vấn chính trị cao cấp Tess Stovall từ Third Way, nếu nền kinh tế Mỹ không tiến triển theo hướng lạc quan hơn, các gia đình trung lưu tầng lớp dưới có thể không còn là tầng lớp trung lưu nữa mà gia nhập đội ngũ lao động nghèo.

Hơn nữa, họ sẽ chật vật chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục hay không được hưởng cuộc sống hưu trí an nhàn. Điều đó cũng ít nhiều nới rộng hơn chênh lệch thu nhập trong xã hội Mỹ, làm chính quyền của Tổng thống Barack Obama thêm đau đầu khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang cận kề.