Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bức xúc nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình 04/CT-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là phủ kín hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên toàn TP vào năm 2015.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình 04/CT-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là phủ kín hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên toàn TP vào năm 2015. Tuy nhiên, những ngày cuối cùng của năm 2015 đã gần kề, xem ra mục tiêu về thiết chế văn hóa nơi thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư vẫn chưa thể thực hiện.

Dùng dằng chuyển đổi nhà vệ sinh công cộng

Mong muốn biến nhà vệ sinh công cộng (VSCC) thành điểm sinh hoạt văn hóa không phải là chuyện mới của quận Đống Đa. Bởi đề xuất tha thiết này của người dân các phường Phương Liên, Khâm Thiên, Cát Linh đã gặp vướng suốt 4 năm qua.

Ông Mạnh Hùng, một người dân sinh sống tại ngõ Văn Chương, phường Khâm Thiên thừa nhận đã chứng kiến rất nhiều tệ nạn tại “khu nhà ổ chuột” (từ dùng của người dân chỉ về nhà VSCC). “Nhiều con nghiện coi đây là nơi lý tưởng để thực hiện hút, chích. Hơn chục năm nay, mỗi gia đình trong khu phố có khả năng đều xây dựng nhà vệ sinh trong nhà, không còn ai sử dụng nhà VSCC nữa. Cũng bởi nhỡ dại ra đó dẫm phải kim tiêm dính máu của kẻ nghiện, mắc HIV còn khổ cả đời” - ông Hùng thành thật chia sẻ.
Nhà văn hóa khu dân cư 1A phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.  	Ảnh: Quỳnh Linh
Nhà văn hóa khu dân cư 1A phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Ảnh: Quỳnh Linh
Cùng chung tâm trạng như người dân phường Khâm Thiên, Chủ tịch UBND phường Phương Liên Bùi Minh Hoàng cho rằng: “Quỹ đất của phường rất hạn chế, nhiều cụm dân cư chưa có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đó, phường xin ý kiến UBND quận Đống Đa, Phòng Tài nguyên Môi trường quận và các phòng ban chuyên môn được phép phá dỡ công trình VSCC để xây dựng nhà văn hóa”.

Công năng sử dụng của những nhà VSCC xây dựng từ 20 - 30 năm trước của Hà Nội rõ ràng đã hết. Thế nhưng, người ta vẫn quẩn quanh mãi việc có nên phá dỡ hay không, bởi nhiều quan điểm cho rằng còn một người sử dụng là không được phá dỡ. Hơn nữa, theo chia sẻ của một lãnh đạo quận Đống Đa: Nếu quỹ đất này thuộc quản lý của quận thì không vấn đề gì, nhưng thực tế, nhà VSCC lại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Môi trường đô thị Hà Nội. “Quan điểm của quận là luôn ủng hộ phường, nếu như người dân không còn nhu cầu sử dụng nhà VSCC, thì việc chuyển mục đích sử dụng hoàn toàn phù hợp. Càng phù hợp hơn nếu sử dụng diện tích đất đó làm nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chúng tôi đều phải xét trên khía cạnh thực tế kiểm tra mới có thể đưa ra đề xuất với lãnh đạo TP” - vị lãnh đạo quận Đống Đa nhấn mạnh.

Đề xuất của UBND quận Đống Đa đã được lãnh đạo TP quan tâm. Trên thực tế, cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND TP quyết định. Hy vọng câu chuyện giải quyết một khu tệ nạn xã hội thành một điểm sinh hoạt văn hóa hữu ích cho cộng đồng dân cư nơi đây sẽ không phải dùng dằng nhiều năm nữa.

Nhà văn hóa “cửa đóng then cài”

Khi các khu nhà sinh hoạt văn hóa còn thiếu, người dân bức xúc yêu cầu xây dựng nhà văn hóa (NVH) là vậy. Nhưng khi có NVH lại bức xúc theo kiểu: Địa điểm sinh hoạt cộng đồng nhưng “cửa đóng then cài, chẳng mấy ai vào được. Bằng chứng nhiều nơi đã cho thấy, bỏ kinh phí vài trăm triệu đồng để xây dựng NVH, thậm chí hơn trăm tỷ đồng xây nhà hát ở huyện Đan Phượng rồi cũng… bỏ không.

NVH thôn Lưu Phái (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) được đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây mới nhưng cũng chỉ để đáp ứng vài ba cuộc họp. Các công năng chính của một NVH như: Văn hóa văn nghệ, chơi bóng bàn, cầu lông… hầu như không thấy. Một người dân sống gần đấy cho biết, chỉ những hôm có cuộc họp hoặc gần dịp 1/6, Tết Trung thu mới thấy NVH mở cửa và có Đoàn Thanh niên tập múa hát cho thiếu nhi. Tuy nhiên, điều này xảy ra cũng là do trần nhà thấp, không có hệ thống chống nóng nên mùa hè, NVH thôn Lưu Phái như… cái lò. Ngoài ra, qua tìm hiểu, phóng viên còn được biết, “nội thất” bên trong NVH này chỉ có vài cái bàn và chưa đến 50 cái ghế, bộ loa đài, tivi cũng rơi vào tình trạng “hết date”. Khi tổ chức họp toàn dân, chuyện phải đi thuê thêm ghế, đi mượn micro là việc “bình thường nơi phố huyện”.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết: “Ở nhiều địa phương, các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm đầy đủ. Một số thiết chế văn hóa xây dựng từ nhiều năm nay nên xuống cấp, người dân ngại đến sinh hoạt cộng đồng. Trang thiết bị cho các thiết chế này không đầy đủ nên hoạt động không đồng bộ. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là chính những người quản lý thiết chế văn hóa còn non kém về chuyên môn nghiệp vụ, lại không có đam mê nhiệt tình nên khiến NVH đìu hiu”. Để xảy ra tình trạng trên, dưới góc độ cơ quan quản lý văn hóa, ông Động đã nhận trách nhiệm và cho rằng, thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ về vai trò của thiết chế văn hóa, tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ trông coi các thiết chế này. Song, ông Động cũng khẩn thiết đề nghị nơi chủ quản các thiết chế quan tâm đầu tư để NVH “không chỉ có cái vỏ mà có cãi lõi để hoạt động”.

Vẫn biết, hoàn thành các mục tiêu về thiết chế văn hóa, trong đó có cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động là mục tiêu quan trọng của Chương trình 04/CT-TU của Thành ủy Hà Nội. Thế nhưng, mục tiêu ấy chắc sẽ không thể thực hiện trong năm nay mà cần thêm thời gian để các sở, ngành cùng chung tay vào cuộc, các địa phương hiểu để năng động, sáng tạo trong vận hành, khai thác thiết chế văn hóa tại cơ sở.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính:
Nhà vệ sinh công cộng đã lỗi thời
Nhà VSCC ở các khu tập thể (KTT) cũ hiện nhếch nhác. Nó là một phần nhỏ trong những thiết kế đã lỗi thời của các KTT cũ. Nếu như trước đây, các KTT từng là niềm mơ ước và được coi là ưu việt một thời; thì nay quy hoạch đô thị mới đã khác. Hiện nay, các khu nhà tập thể, nhà lắp ghép đó không đảm bảo những nhu cầu tối thiểu về tiện nghi, không đảm bảo thẩm mỹ nên TP đã có kế hoạch từng bước cải tạo các KTT này cùng với những cơ sở hạ tầng đi kèm. Trong khi các khu chung cư mới được xây dựng, thay thế cho các KTT cũ thì phương án cải tạo tổng thể và lâu dài hệ thống nhà VSCC cũng cần được tính đến. Khi quy hoạch một khu dân cư, người ta đặc biệt quan tâm đến các điểm công cộng, nhất là điểm sinh hoạt văn hóa cho khu dân cư đó. Tôi ủng hộ phương án biến một khu đất hoang, khu VSCC không còn mục đích sử dụng làm điểm sinh hoạt cộng đồng, xây dựng NVH cộng đồng.
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội:
Nên có sự ưu tiên dành cho phát triển văn hóa
Các thiết chế văn hóa của Hà Nội đang xảy ra tình trạng bất cập ở chỗ nơi có tiền thì không có đất, nơi có đất thì không có tiền. Trên quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, tôi cho rằng, các quận nội thành nên sử dụng quỹ đất xen kẹt, đất nhàn rỗi để dành cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Các huyện có đất thì trong quy hoạch nên quy định khoảng đất nhất định cho quy hoạch thiết chế văn hóa. Có đất không có nghĩa là xây ngay, mà phải tùy vào điều kiện kinh tế của địa phương, lựa chọn thời điểm xây cho phù hợp, để thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, hiệu quả sử dụng cao. Chúng tôi chia sẻ với các địa phương trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều việc phải giải quyết, nhưng cũng nên có sự ưu tiên dành cho phát triển văn hóa. Còn đối với người làm văn hóa cũng phải trên tinh thần có sao dùng vậy, để tận dụng những điều kiện tối đa nhất hiện có phục vụ người dân.