Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bùng nổ" trung tâm mua sắm hiện đại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay, đang...

Kinhtedothi - Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay, đang có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành bán lẻ hiện đại. Trung tâm thương mại, siêu thị không ngừng xuất hiện và xu hướng này sẽ ngày càng phát triển.

Trình bày tại diễn đàn "Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn và con đường thành công” vừa được tổ chức tại Hà Nội, các diễn giả đều cho rằng, ngành bán lẻ tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, xu hướng mua sắm hiện đại sẽ bùng nổ mạnh trong những năm tới đây.

Việt Nam là thị trường bán lẻ được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu đang có những thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ. Người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng năng động hơn, hội nhập hơn, thay đổi nhanh hơn và yêu cầu ngày càng cao, đa dạng hơn.
 Trong những năm tới, hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ. Ảnh minh hoạ
Trong những năm tới, hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ. Ảnh minh hoạ
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khách hàng khu vực miền Bắc của công ty Nielsen, hiện nay, xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Tại Việt Nam, mô hình này cũng không ngừng gia tăng.

Dẫn chứng về sự tăng trưởng này, bà Hà chia sẻ, chỉ trong vòng 5 năm qua, số lượng các cửa hàng trong kênh phân phối hiện đại của Việt Nam đã tăng trưởng tới 28% (trong khi Indonesia chỉ 18%, Thailand 9% và Malaysia chỉ 10%). Cùng với đó, Việt Nam hiện đang xếp thứ 2, ngang hàng cùng với Hồng Kông và Singapore (chiếm 33%) trong danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ, được hướng tới để mở cửa hàng mới của các thương hiệu bán lẻ trong năm 2014.

Chưa dừng lại ở đó, sự sôi động của thị trường bán lẻ tại Việt Nam cũng đã được Tập đoàn bất động sản thương mại CB Richard Ellis (CBRE) của Mỹ đưa ra tại báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2014” vừa được công bố hồi quý 2/2014. 

Theo báo cáo này, Hà Nội hiện đang nằm trong top 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ đứng sau hai thành phố của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải.

Hà Nội hiện cũng đang xếp vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng 19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Trong khi đó, ngôi vị số 1 thuộc về Thủ đô Paris của Pháp, kế tiếp là Tokyo (Nhật Bản) và Hồng Kông…

Cũng theo báo cáo của CBRE, thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cũng đã lọt vào trong danh sách 10 thành phố nơi các nhà bán lẻ có ý định mở cửa hàng nhiều nhất vào năm 2014. Trong đó Hà Nội chiếm tỷ lệ là 36%, ngang bằng với Berlin (Đức) và Thượng Hải (Trung Quốc).

CBRE đánh giá, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện đang là thị trường bán lẻ mới nổi đầy tiềm năng so với những thị trường truyền thống khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sẽ gia tăng mạnh

Tại diễn đàn "Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: Tầm nhìn và con đường thành công” vừa qua, nhiều chuyên gia trong ngành bán lẻ đã nhận định rằng, sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ toàn cầu, đã và đang tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, đây là dịp mở ra rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình, để phù hợp với bối cảnh chung.

Chia sẻ về ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.145.470 tỷ đồng tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ đạt 2.970.300 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. 

Cũng theo bà Loan, hiện nay, đang có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành bán lẻ hiện đại. Trung tâm thương mại, siêu thị không ngừng xuất hiện và xu hướng này sẽ ngày càng phát triển.

Dẫn chứng về vấn đề này, bà Loan cho biết, đến cuối năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 Trung tâm thương mại các loại, 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Tuy nhiên, dự kiến, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị; 180 Trung tâm thương mại và 157 Trung tâm mua sắm. 

“Người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại, hội nhập và yêu cầu ngày càng cao và đa dạng hơn, không chỉ mua sắm bình dân, tiết kiệm mà còn mua sắm các mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đối tượng mua sắm cũng đa dạng, không chỉ là phụ nữ thích mua mỹ phẩm mà còn có sự lấn sân của nam giới. Chính vì vậy, ngành dịch vụ bán lẻ ở cấp độ doanh nghiệp và cấp độ quốc gia, thực sự cần có một chiến lược cho sự phát triển”, bà Loan chia sẻ.