Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước chuyển trong chính sách đối ngoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con số hơn 40 nước tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập phần nào phản ánh sức hấp dẫn của định chế tài chính được cho là sẽ đóng vai trò thống lĩnh tại châu Á.

Không những thế, quyết định gia nhập ngân hàng này còn là lời khẳng định về bước chuyển trong chính sách đối ngoại của một số quốc gia.

Việc thành lập một ngân hàng đương nhiên phải xuất phát từ mục tiêu kinh tế bởi trong 10 năm tới, để phát triển hết tiềm năng kinh tế của châu Á, khu vực này cần đầu tư ít nhất khoảng 1.000 tỷ USD/năm. Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất toàn cầu hiện nay cũng cần khoản tiền khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của AIIB không chỉ giúp Trung Quốc dễ dàng huy động được nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng của riêng mình, mà còn có thể thực hiện được tham vọng trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ của khu vực nói riêng, thế giới nói chung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đại diện các quốc gia trong cuộc họp ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2014. 	Ảnh: tân Hoa Xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đại diện các quốc gia trong cuộc họp ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 10/2014. Ảnh: tân Hoa Xã
Là cường quốc tại châu Á – Thái Bình Dương - khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng nên trong hàng chục năm qua, Bắc Kinh giữ một vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của nhiều nước. Vì thế, khi đề xuất thành lập AIIB vừa được Trung Quốc đưa ra, lập tức đã có hơn 20 nước cam kết tham gia và càng gần đến hạn chót gia nhập (31/3), con số thành viên càng dài thêm. Đây chính là điều Washington lo ngại bởi AIIB có thể ảnh hưởng đến vai trò thủ lĩnh của Mỹ trên thị trường tài chính kể từ Thế chiến thứ II thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đặc biệt, AIIB có thể làm giảm đáng kể tiến trình “xoay trục” tại châu Á – Thái Bình Dương được chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện suốt hơn 6 năm qua thông qua sự mở rộng hoạt động cả về quy mô và tần suất tại khu vực của WB và IMF.

Điều đáng nói, dù đã phát đi yêu cầu phải nói “không” với AIIB, Mỹ vẫn bị một loạt đối tác thân thiết, đồng minh truyền thống như Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia “phớt lờ”. Thực ra, lãnh đạo các quốc gia này không phải không hiểu người Mỹ đang nghĩ gì nhưng sức hút từ AIIB với triển vọng về một sự hiện diện sâu rộng hơn ở châu Á – Thái Bình Dương khiến giới chức các nước này lần lượt đặt bút ký vào các biên bản ghi nhớ với Trung Quốc. Đây cũng là những lời cảnh báo mà chính phủ một số quốc gia gửi tới Washington. Với Australia, gia nhập AIBB là lời đáp trả diễn văn chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Tony Abott về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2014. Với Anh, cuộc tổng tuyển cử cam go là lý do buộc Thủ tướng David Cameron phải nhanh chóng quyết định gia nhập AIIB như một phần cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng ảnh hưởng tại châu Á. Điều này, buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược phù hợp. Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew hôm 30/3, đã hoan nghênh các đề xuất nhằm nâng cấp và cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở tại châu Á và bày tỏ hy vọng hợp tác với AIIB. Tuyên bố này là bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm biến đối thủ thành đối tác. Tất nhiên, hợp tác Trung – Mỹ qua AIIB vẫn còn là một câu chuyện dài cần bàn nhưng động thái này phần nào cho thấy sự thức thời của Mỹ trong hoàn cảnh bị các đồng minh phớt lờ như hiện nay.