Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước đầu khẳng định thương hiệu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 2/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội tổ chức tổng kết chương trình thí điểm kiểm soát theo chuỗi từ cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT) đến nơi tiêu thụ.

Theo đánh giá, chương trình đã bước đầu giúp cho người nông dân nâng cao ý thức sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu cho vùng RAT trên địa bàn Thủ đô.

Bước đầu khẳng định thương hiệu - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tín hiệu vui

Thí điểm kiểm soát theo chuỗi trong sản xuất RAT là chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) với Chi cục BVTV Hà Nội, được triển khai từ tháng 11/2011 tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm với tổng diện tích 250ha. Với khoảng 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, sản lượng rau của xã Văn Đức đạt 40 - 45 tấn/ngày, trong đó lượng rau được gắn nhãn nhận diện sản phẩm khoảng 25 - 30 tấn/ngày. Hiện 70% lượng RAT có tem nhãn của Văn Đức được tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội, chủ yếu tại các chợ đầu mối như: Chợ Hà Đông, chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, Hoàng Mai), chợ Mai Dịch... Ngoài ra, rau Văn Đức còn được đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... thậm chí xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, RAT gắn nhãn của Văn Đức được người tiêu dùng đánh giá cao, giá bán luôn cao hơn giá rau của các vùng lân cận từ 500 - 1.000 đồng/kg. Đáng mừng là qua thông tin trên nhãn tem, người tiêu dùng một số tỉnh và các cửa hàng, khách sạn, công ty kinh doanh RAT ở Hà Nội đã đặt mua rau Văn Đức.

Tiếp tục gỡ khó

Mặc dù đã đạt được kết quả ban đầu, song việc triển khai mô hình kiểm soát RAT theo chuỗi vẫn còn không ít vướng mắc. Ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức chia sẻ, đa số người dân có tập quán thu hoạch rau lúc chiều muộn, do đó việc gắn nhãn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc gắn nhãn chỉ tập trung tại các đầu bờ ruộng rau thu hoạch trong khi đội ngũ cán bộ gắn tem còn ít nên công tác gắn tem còn mất khá nhiều thời gian.

Cùng với đó, Văn Đức chưa có cơ sở sơ chế rau nên hầu hết rau sau thu hoạch được đóng gói chuyển bán buôn không qua sơ chế. Ông Phùng Xuân Việt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho rằng, muốn nhân rộng và duy trì lâu dài mô hình kiểm soát chất lượng RAT theo chuỗi, cần có sự đầu tư đồng bộ, đặc biệt kiểm tra, giát sát chặt chẽ việc gắn nhãn tem nhận diện cho sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, để kiểm soát chất lượng thực phẩm, Nhà nước đã có nhiều văn bản luật, chỉ thị hướng dẫn, nổi bật là Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm về chất lượng thực phẩm. Sau thành công bước đầu của mô hình kiểm soát RAT theo chuỗi ở Hà Nội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng biết được các vùng RAT, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ nhân rộng các vùng RAT ra nhiều địa phương khác.