Kinhtedothi - Diễn ra chỉ 4 ngày sau vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công khủng bố khiến hơn 130 người thiệt mạng tại Paris và chỉ vài giờ khi Tổng thống Nga Vladmir Putin xác nhận phần tử IS đã làm nổ tung chiếc máy bay mang số hiệu A321, khiến 224 người thiệt mạng ở Sinai cuối tháng trước, không ngạc nhiên khi lãnh đạo các nước đều tranh thủ cuộc gặp tại Manila để thống nhất chiến lược chống lại IS.
Trước đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức hôm 15 – 16/11 tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Nga và Mỹ đã có cuộc gặp chớp nhoáng, nơi ông Barack Obama thận trọng nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của các nỗ lực quân sự” mà Nga đang tiến hành tại Syria.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố của ông Obamaa được coi là đánh giá mang tính tích cực đầu tiên với chiến dịch không kích mà Nga thực hiện nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria. Đây không chỉ là bước chuyển lớn trong quan điểm của Washington về vai trò của Moscow mà còn là bước ngoặt quyết định trong nỗ lực chung chống lại IS của cộng đồng quốc tế.
Sự thống nhất trên bàn đàm phán đã lập tức tác động tới thực địa. Các cuộc không kích lớn được quân đội Pháp, Mỹ và Nga thực hiện nhằm vào các mục tiêu của IS ở Syria là đòn phủ đầu mà ông chủ Điện Élysee và Điện Kremli cho là để “những kẻ phạm tội nhận thức được rằng bị trả thù là điều không tránh khỏi”.
Ngoài cuộc chiến trên không với sự hỗ trợ của Mỹ và liên quân quốc tế, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, sẽ điều tàu chiếu Charles de Gaulle để hỗ trợ chiến dịch chống IS ở Syria với quyết tâm "xóa sổ" IS. Giống như nước Pháp phát đi thông điệp “khóc nhưng không sợ hãi”, Tổng thống Putin khẳng định: “Nước Nga sẽ không gạt những giọt nước mắt. Mà giọt nước mắt ấy ở trong ta mãi mãi và sẽ không ngăn cản chúng ta tìm ra, trừng phạt những kẻ thủ ác”. Những tuyên bố cứng rắn này và diễn biến trên thực địa cho thấy, lực lượng an ninh Nga, Pháp, Mỹ và liên quân quốc tế sẽ còn tiếp tục thực hiện chiến dịch tìm kiếm nơi ẩn nấp các phần tử IS và tiêu diệt chúng đến cùng.
Tất nhiên, bất kỳ cuộc chiến nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và những gì mà thế giới phải đối mặt hiện nay bất chấp cuộc chiến hao người tốn của mà Mỹ đã tiến hành sau vụ 11/9 là điều mà các nước tham gia chiến dịch tiêu diệt IS phải tính đến. Và cuộc chiến trên bình diện quốc tế sẽ chỉ đạt được mục tiêu là triệt tiêu các phần tử cực đoan khi các bên biết dẹp bỏ các toan tính riêng.
Ngày 31/10 máy bay Airbus A321 của Nga gặp nạn và bị rơi xuống bán đảo Sinai (Ảnh: Sputnik)
|