Kinhtedothi - Xảy ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc không kích, tàu khu trục của Pháp cũng tiến vào khu vực Địa Trung Hải nhằm triệt phá các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, vụ chiến đấu cơ của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã tạo ra bước ngoặt mới trong tiến trình chống khủng bố của cộng đồng quốc tế.
Thực ra không phải đến bây giờ mới xuất hiện những nghi vấn về mối quan hệ “mờ ám” giữa Thổ Nhĩ Kỳ với IS và các nhóm thánh chiến khác hoạt động tại Syria, nhất là khi các lực lượng này sử dụng biên giới giữa hai nước như một căn cứ chiến lược.
Dựa trên những gì mà chuyên gia DavidL Phillips của Đại học Columbia (Mỹ) tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ IS tuyển dụng, đào tạo và thậm chí còn là “khách hàng” mua dầu mà IS khai thác được từ các mỏ chiếm được của Chính phủ Syria, Iraq, cung cấp địa điểm trú ẩn an toàn cho những chỉ huy cấp cao của IS. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo về các quốc gia đồng minh của phương Tây có mặt trong danh sách hơn 40 nước đang hỗ trợ IS. Việc quân đội của chính quyền Ankara khoanh tay đứng nhìn IS bao vây và tấn công thị trấn Kobani tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng tháng 9 – 10/2014 và chiến đấu cơ của nước này tiến hành các cuộc không kích nhằm vào người Kurd trên lãnh thổ Syria càng khiến nhiều người đặt thêm nghi vấn về mối quan hệ thật sự giữa Ankara và IS.
Tất nhiên đây mới chỉ là những suy đoán ban đầu nhưng không thể phủ nhận trước khi Nga tham gia vào cuộc chơi tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân thiết của Mỹ và phương Tây gần như đã đạt được mục tiêu trở thành quyền lực mới ở khu vực, thay thế Israel và Iran. Với mong muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, tham gia định hình một bộ máy chính quyền mới tại Syria, Thổ Nhĩ kỳ không có hồi âm trước lời kêu gọi hỗ trợ Nga mà còn nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động đáp trả hành vi xâm phạm lãnh thổ mà chiến đấu cơ Nga thường phạm phải khi tiến hành không kích các mục tiêu của IS.
Bất chấp mối quan hệ từng được cho là “thân thiết” giữa Moscow – Ankara, những toan tính chính trị và kinh tế đã được chính quyền của Thủ tướng Erdogan đặt lên bàn cân. Và kết quả là, ông Erdogan đang nghiêng nhiều hơn về phía các đồng minh NATO, trong bối cảnh đang đối mặt với gánh nặng về quân sự, kinh tế và nhân đạo từ cuộc chiến Syria. Và vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su - 24 của Nga vì đã xâm phạm lãnh thổ nước này được coi là câu trả lời với những gì mà Ankara cho là đã khiêu khích cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn NATO. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng gạt bỏ những lợi ích kinh tế như đang phải nhập một nửa lượng dầu từ Nga để hỗ trợ cho đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên, là cầu thủ lớn trên sân chơi toàn cầu nên Thổ Nhĩ Kỳ chưa phải là một đối thủ xứng tầm của Nga khi Tổng thống Nga V.Putin dường như vẫn đang lặng yên quan sát và yêu cầu truyền thông không kích hoạt một cuộc chiến thông tin. Cho đến hiện tại, dù phải chịu tổn thất đầu tiên sau khi phát động chiến dịch không kích chống IS tại Syria, Nga đang được nhiều hơn mất khi nhanh chóng xác lập sự hiện diện tại “chảo lửa” Trung Đông và thể hiện triệt để sự ủng hộ với chính quyền của ông Assad. Và cuộc chiến chống khủng bố nói chung và IS nói riêng chắc chắn sẽ lần lượt cuốn các quốc gia tại khu vực cũng như NATO, các quốc gia phương Tây vào một vòng xoáy phân chia quyền lực mới.
Chiến đấu cơ Su - 24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
|