Theo đó, đối với xe ô tô, mô tô không đủ điều kiện nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển theo quy định thì thực hiện xử lí vi phạm (phạt tiền) và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ảnh minh họa.
|
Căn cứ quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP của Chính phủ (đối với xe về đến cảng Việt Nam trước ngày 15/12/2013) và Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (đối với trường hợp xe về đến cảng Việt Nam từ ngày 15/12/2013), đối với các trường hợp tái xuất xe nêu trên thực hiện tái xuất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan Hải quan ra quyết định buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Quá thời hạn mà không thực hiện tái xuất thì xử lí tịch thu theo quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Đối với số xe ô tô, mô tô hiện đang tồn đọng tại cảng, Bộ Tài chính yêu cầu đối với các trường hợp qua công tác kiểm tra, xác minh nếu đủ cơ sở, căn cứ xác định hành vi buôn lậu thì thực hiện xử lí theo quy định tại khoản 3, Điều 45 Luật Hải quan. Đối với các trường hợp chủ hàng có văn bản từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ thì thực hiện xử lí theo quy định tại khoản 1, Điều 45 Luật Hải quan.
Đối với các trường hợp xe ô tô, mô tô đã chuyển về cảng Việt Nam quá 90 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị căn cứ khoản 4, Điều 45, Luật Hải quan để thực hiện.
Điều 45. Xử lý hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn, quá thời hạn khai hải quan mà chưa có người đến nhận
1. Hàng hóa mà chủ hàng hóa tuyên bố công khai từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ thì được bán, tiền bán hàng được nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ các chi phí phát sinh.
Không thừa nhận việc chủ hàng hóa từ bỏ đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2. Hàng hóa bị thất lạc, nhầm lẫn thì trong thời hạn 180 ngày mà chủ hàng hóa chứng minh hàng hóa đó thuộc sở hữu của mình do bị gửi nhầm từ nước ngoài hoặc thất lạc đến Việt Nam thì được tái xuất; nếu gửi nhầm địa chỉ người nhận thì được điều chỉnh địa chỉ người nhận; nếu thất lạc qua nước khác sau đó đưa về Việt Nam thì được làm thủ tục hải quan để nhận lại sau khi nộp các chi phí phát sinh; quá 180 ngày mà không có người đến nhận, hàng hóa được xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Trong trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ để xác định hàng hóa bị từ bỏ, thất lạc, nhầm lẫn là hàng hóa buôn lậu thì hàng hóa đó bị xử lý như đối với hàng hóa buôn lậu.
4. Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày, kể từ ngày hàng hóa tới cửa khẩu dỡ hàng mà không có người đến nhận thì cơ quan hải quan thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu chủ hàng hóa đến nhận thì được làm thủ tục nhập khẩu và phải nộp tiền phạt, các chi phí phát sinh do việc chậm làm thủ tục hải quan; nếu không có người đến nhận thì hàng hóa được xử lý theo quy định của pháp luật.
(Trích Luật Hải quan)
|