Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bước tiến của hội nhập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Hội nghị thường niên toàn cầu về sợi và dệt vải năm 2012” với chủ đề “Thách thức đối với ngành công nghiệp Dệt: Hiện tại và tương lai” do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Liên đoàn các nhà sản xuất sợi dệt quốc tế (ITMF) đã chính thức khai mạc ngày 5/11 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự và phát biểu khai mạc của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, cùng 250 đại biểu đến từ nhiều quốc gia thành viên của ITMF. Đây chính là cơ hội tốt để các nhà sản xuất sợi, dệt, vải của Việt Nam tham gia học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường giao thương.

Tại hội nghị đáng lưu ý là các bài tham luận của lãnh đạo Bộ Công Thương, các chuyên gia ITMF và Vinatex xoay quanh vấn đề: Tình hình biến động trên thị trường nguyên vật liệu trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia phát triển, tranh chấp tiền tệ, bất ổn chính trị ở một số vùng; Ngành dệt may Việt Nam trên đường phát triển; Chính sách thương mại dệt may Mỹ; Sự phát triển của ngành dệt may Trung Quốc; Các vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng; Ngành dệt kỹ thuật và các sản phẩm không dệt; Thị trường máy móc dệt may toàn cầu…
 
Bước tiến của hội nhập - Ảnh 1
 
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện của ITMF đánh giá cao lĩnh vực may mặc Việt Nam - quốc gia xuất khẩu có uy tín với thị phần lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, và khẳng định sự đồng thuận tham gia của Vinatex mang ý nghĩa rất lớn đối với ITMF, trước hết là ý nghĩa toàn cầu như tên gọi “Liên đoàn các nhà sản xuất sợi dệt quốc tế”. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp trong ITMF có thể học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam, cùng hợp tác, đầu tư và phát triển.

Tham luận tại Hội nghị ITMF 2012, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: Trong những nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, ngành hàng dệt may vẫn tiếp tục dẫn đầu với trị giá xuất khẩu trong 9 tháng/2012 là 12,6 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 8%; sang EU đạt 1,81 tỷ USD; sang Nhật Bản đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,7% và sang Hàn Quốc 748 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong lĩnh vực may mặc, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu có uy tín với thị phần lớn trong khu vực và thế giới.

Hiện Vinatex đang giữ vai trò hạt nhân trong việc chuyển dịch đầu tư các doanh nghiệp sản xuất về vùng nông thôn. Đây là sự đón đầu cho xu hướng kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI tham gia vào các lĩnh vực dệt, nhuộm giúp cho ngành dệt may chủ động hơn về nguyên liệu sản xuất.

Với việc gia nhập ITMF, Vinatex có được sự kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới, được cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất sợi và vải cùng những thông tin mới nhất về ngành, thông qua các khảo sát, nghiên cứu, ấn phẩm, đặc biệt qua các hội nghị thường niên được tổ chức hàng năm của Liên đoàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng được tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia kinh tế đầu ngành về các xu hướng phát triển trong tương lai. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ hội lớn để Vinatex giới thiệu về ngành dệt may Việt Nam với các bạn hàng trên thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mà ngành đang còn yếu và gặp khó khăn, như khâu sản xuất bông xơ, vải dệt kim, dệt thoi.

 
Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên đoàn các nhà sản xuất sợi dệt quốc tế (ITMF) từ tháng 9/2011. Đây là hiệp hội của các nhà sản xuất sợi và dệt vải hàng đầu thế giới, với hoạt động thường niên toàn cầu nhằm tạo cơ hội kết nối, xúc tiến thương mại đầu tư cho các thành viên. ITMF được thành lập từ năm 1904 tại Zurich (Thụy Sỹ), hiện có mạng lưới thành viên trên khắp thế giới, với sứ mệnh kết nối ngành công nghiệp dệt giữa các quốc gia, cập nhật thông tin về ngành dệt may thế giới, giúp các thành viên tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đưa ra định hướng phát triển cho tương lai…