Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bưởi Chương Mỹ và cơ hội làm giàu từ nhãn hiệu tập thể

Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm vui lớn đến với cán bộ và Nhân dân huyện Chương Mỹ khi cuối tuần qua, sản phẩm bưởi của địa phương đã chính thức được công bố nhãn hiệu tập thể.

Đây là động lực quan trọng để huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, giá trị kinh tế cao giúp nông dân tăng thu nhập và làm giàu.
Hiệu quả đầu tư thâm canh
Thời điểm này, vùng bưởi Chương Mỹ nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi các chủ vườn ai nấy đều tất bật thu hoạch bưởi để kịp chào bán ra thị trường Tết. Vừa nhanh tay hái những trái bưởi vàng rộm, anh Nguyễn Hải Sơn, khu Đồng Bưởi, xã Nam Phương Tiến cho hay: "Vụ bưởi này, gia đình tôi "ấm" rồi, vì 200 gốc bưởi cho thu hoạch khoảng 1,6 vạn quả. Với giá bán (tại vườn) 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, thu lãi trên 200 triệu đồng". Không chỉ gia đình anh Sơn mà năm nay cũng là năm được mùa của nhiều hộ dân trồng bưởi ở Chương Mỹ khi không hiếm vườn sở hữu những cây sai tới hơn 150 quả.

Mô hình trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.

Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012 – 2016, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch vùng cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo đó, huyện xác định bưởi là cây trồng chủ lực với diện tích được đưa vào quy hoạch là 535ha tại các xã Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Văn Võ, thị trấn Xuân Mai. Đến nay, toàn huyện có gần 400ha bưởi, trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 xã Nam Phương Tiến và Trần Phú. Trồng bưởi đã trở thành mô hình lý tưởng để nông dân các xã vùng đồi gò khó khăn của Chương Mỹ vươn lên làm giàu. Năm 2016, năng suất bưởi của huyện đạt trung bình 25 tấn/ha, giá trị thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha.
Sản xuất – tiêu thụ theo hướng hàng hóa
Trong 5 năm thực hiện Đề án, cùng với sự giúp đỡ trực tiếp của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, Chương Mỹ đi sâu vào công tác tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm bưởi sau thu hoạch. Để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi, năm 2016, Chương Mỹ đã đưa vào thực hiện mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến. Cụ thể là phương pháp thụ phấn chéo và thụ phấn bổ sung giúp các chủ vườn khắc phục thành công hiện tượng mất mùa tái diễn nhiều năm.
Nhằm tạo tiền đề cho sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, Chương Mỹ đã tích cực hỗ trợ các xã thành lập mới các HTX chuyên canh bưởi. Đồng thời, hướng dẫn nông dân lập dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng cho 271 hộ  đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội  đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm. Hiện nay, sản phẩm bưởi của Chương Mỹ đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội như Topgreen, Cleverfood...
Mặc dù loại quả đặc sản của vùng đất đồi gò này đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Bưởi Chương Mỹ", song theo ông Nguyễn Đăng Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, việc duy trì, quản lý và phát triển nhãn hiệu không đơn giản. Nhiệm vụ này cũng đồng nghĩa là Hội phải không ngừng nâng cao chất lượng bưởi hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nông dân liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, liên minh các HTX tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều. Đồng thời, tích cực kết nối với các DN để sản phẩm bưởi được tiêu thụ lâu dài và ổn định.
Sản phẩm bưởi Chương Mỹ được chứng nhận nhãn hiệu tập thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông dân trong huyện tiếp tục đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng sản xuất. Do đó, huyện kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ