Không có chuyện vô chủ
Theo BCĐ 389, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biên giới, cửa khẩu đường bộ chủ yếu là vận chuyển trái phép ma túy, pháo, vật liệu nổ, động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, đường cát, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện lạnh, thực phẩm, gia cầm, gia súc, hàng bách hóa tiêu dùng... Bên cạnh đó, trên các vùng biển: Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam nổi lên hoạt động buôn lậu xăng, dầu, thuốc lá điếu... Trong khi các cửa khẩu cảng hàng không, sân bay quốc tế nổi lên là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Đội quản lý thị trường số 15 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra cửa hàng trên phố Định Công. Ảnh: Trần Việt |
Vi phạm về niêm yết giá, sản xuất, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn liên tục xảy ra. Tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trái phép các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và trong chăn nuôi,… diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Điểm đáng lưu ý được BCĐ nêu ra là tại các cửa khẩu hàng không sân bay quốc tế nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy diễn ra phức tạp. Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết, vận chuyển ma túy bằng đường hàng không và đường biển có những lúc lên đến gần 3 tấn, quy mô xuyên quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Cẩn, khi phối hợp xác minh, khám xét các kho hàng không nổi lên thực trạng hàng vô chủ. Để xử lý tình trạng này ông Cẩn đề nghị, máy bay của các hãng vận tải khi gửi phải có tên người, địa chỉ cụ thể, không để xảy ra tình trạng hàng vô chủ như hiện nay.
Tại hội nghị, đại diện BCĐ 389 các tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Long An lần lượt nêu ra những khó khăn, bất cập, chỉ rõ những hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với vụ việc buôn lậu lớn, trọng điểm; Đề xuất bổ sung thêm lực lượng, đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các lực lượng chức năng trong tình hình mới...
Còn nể nang, né tránh
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác đấu tranh theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 41/NQ - CP. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vị. Nguyên nhân của những tồn tại trên có cả yếu tố khách quan như địa hình biên giới phức tạp, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, điều kiện, phương tiện làm việc… chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu. Nhưng về cơ bản vẫn do yếu tố chủ quan. Đó là, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá. “Việc thực hiện các nội dung của BCĐ 389 quốc gia còn nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng cần tập trung làm rõ những yếu kém, khó khăn và đề xuất giải pháp khắc phục như về cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, mặt hàng và địa bàn trọng điểm cần tập trung kiểm soát, quản lý năng lực và phẩm chất cán bộ trong công tác này… Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm, tăng 8,23% so với năm 2015; thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hàng hóa vi phạm và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng, tăng 59,23% so với năm 2015; khởi tố 1.560 vụ và 1.863 đối tượng. |