Tạo tiền lệ xấu
Để giảm thiểu UTGT, TP đã có quy định về các tuyến phố, thời gian, giờ cao điểm cấm xe taxi lưu thông. Nhưng những quy định đó chỉ có hiệu lực với taxi truyền thống, được nhận biết thông qua đăng ký kinh doanh, tem mào, phù hiệu. Với những chiếc xe cá nhân không có bất cứ dấu hiệu nhận biết nào, taxi dù của Grab tha hồ đi vào phố cấm, đường cấm, dừng đỗ đón trả khách tùy tiện mà khó bị phát hiện xử lý. Nếu không nhanh chóng phát hiện, xử lý, lực lượng “taxi siêu rẻ” ngày càng đông đảo của Grab sẽ tha hồ tung hoành, gây ùn tắc, mất trật tự ATGT trên mọi nẻo đường Thủ đô.
Không chỉ có vậy, việc bỏ lọt xe dù còn khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế không nhỏ. Grab tự tuyên bố mình chỉ là một công ty công nghệ, làm nhiệm vụ kết nối chứ không kinh doanh vận tải. Nghĩa là Grab (nếu có) chỉ đóng thuế trên khoản phí vài ngàn đồng hoa hồng mình thu được từ việc môi giới; còn khoản thuế mà những chiếc xe dù phải nộp trên doanh thu của mình lại không phải là… trách nhiệm của Grab. Như vậy, khó lòng quy kết Grab trốn thuế nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Grab đang tiếp tay cho một bộ phận người kinh doanh dịch vụ taxi trốn thuế. Mặt khác, nếu cơ quan chức năng thiếu kiểm soát, để mặc Grab tự do tuyển đội ngũ xe dù vào hoạt động dưới chiêu bài của mình sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trên thị trường taxi vốn đã rất phức tạp. Nếu hàng chục DN taxi truyền thống cũng hủy đăng ký kinh doanh, tháo bỏ phù hiệu, tạo lập phần mềm dưới danh nghĩa “công ty công nghệ” để kinh doanh VTHK bằng taxi một cách tùy tiện, vô tổ chức, hệ quả sẽ khôn lường. Ông Phạm Duy Kính - đại diện VIC taxi đã phát biểu: “Nếu không thể quản lý được Grab taxi bằng luật thì Nhà nước nên cởi trói cho taxi truyền thống để chúng tôi được công bằng trong cạnh tranh”.
Chiếm thị phần, lờ trách nhiệm
Ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch HĐQT hãng taxi Thành Công khẳng định: “Grab tuyên bố mang đến dịch vụ kết nối nhưng thực ra họ đang lấy đi khách hàng của chúng tôi”. Trớ trêu là phải mất hàng năm trời các DN taxi truyền thống tại Hà Nội mới nhận ra điều này. Thời gian gần đây, dù ngăn cản được các lái xe của mình kết nối với Grab nhưng nhận thấy lực lượng xe dù của đối thủ đang ngày càng phát triển, các DN taxi truyền thống đã bắt đầu nhắc nhiều những cụm từ như “phá sản”, “thất nghiệp”... Quả thật, trong một cuộc cạnh tranh không sòng phẳng giữa những DN nhỏ, tiềm lực có hạn lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định với một DN có nền tảng tài chính mạnh, luôn biết cách lách luật như Grab, việc thất bại và đánh mất thị phần chỉ là chuyện sớm muộn.
Ngoài ra, trên website của mình, Grab đã công khai tuyên bố: “Công ty không có trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý đối với các hành vi và/hoặc sai sót của bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào và/hoặc bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ vận tải nào được cung cấp cho bạn”. Như vậy, khi xảy ra các vấn đề tai nạn, rủi ro ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các thiệt hại mà khách hàng phải gánh chịu(?). Grab mang xe “dù” đến cho hành khách, nhận tiền hoa hồng, những chiếc xe đó nhận tiền cước, còn rủi ro của khách hàng thì bị bỏ ngỏ. Điều đó đang gióng lên hồi chuông báo động về những hình thức kinh doanh chộp giật, vô trách nhiệm đối với xã hội.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra, xử lý sai phạm của Grab, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho thị trường taxi, ngăn chặn sớm những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
Các hãng taxi truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do sự ''hoành hành'' của các xe taxi dù. Ảnh: Công Hùng
|