Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả đời vì việc công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã xấp xỉ 100 tuổi, nhưng Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Văn Tỵ, xã Đông Dư (Gia Lâm) vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh.

 Danh hiệu Công dân Thủ đô năm 2013 không chỉ là niềm vinh dự của riêng cụ mà còn là niềm tự hào của cả đại gia đình gồm 6 người con, 11 người cháu cháu và 20 chắt. 
Ông Nguyễn Văn Tý và các con cháu
Ông Nguyễn Văn Tý và các con cháu
Sinh ra và lớn lên trên đất Hà Nội, những ngày đầu tham gia kháng chiến, cụ Tỵ đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Hoả Lò năm 1947, ông Tỵ đã cùng một số đồng chí làm công tác binh vận, vận động trung đội công binh của địch làm binh biến (bài viết về quá trình binh biến này sẽ được xuất bản trong cuốn "Kiên trung bất khuất" do Ban quản lý nhà tù Hà Nội xuất bản). Năm 1948, ông chuyển về làm việc ở Tỉnh uỷ Bắc Ninh, mở lớp giảng dạy mặt trận bình dân cho các xã, rồi làm cán bộ tình báo,… sau đó, chuyển về công tác tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và được cử làm lãnh sự ở Côn Minh (Trung Quốc) từ năm 1968 - 1974. Năm 1974, ông Nguyễn Văn Tỵ về nghỉ hưu nhưng do yêu cầu của địa phương, ông tiếp tục công tác thêm 19 năm ở các cương vị Bí thư chi bộ, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đông Dư.
Cả một chặng đường dài công tác tại địa phương, ông đã cống hiến hết mình cho công tác xây dựng tổ chức đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội, nhất là việc hưởng ứng các phong trào xã hội, từ thiện của xã. Qua đó, đã góp phần cùng bà con trong xã đưa năng suất lúa từ 40kg/sào lên 70kg rồi 120kg/sào; xây dựng hệ thống nuôi cá đẻ nhân tạo đứng số một của huyện và TP lúc đó. Phong trào khuyến học của xã Đông Dư cũng có sự đóng góp không nhỏ của cụ với thành tích hoàn thành phổ cập cấp 2 vào những năm 1980. Hay phong trào tổ chức việc cưới, việc tang văn minh của xã cũng nằm trong 3 địa phương thực hiện tốt nhất của Hà Nội. Và dù hiện đã nghỉ hẳn công tác song cụ vẫn tích cực tham gia công tác khuyến học, chữ thập đỏ, cựu chiến binh tại địa phương. Đặc biệt, cụ còn một khối tài sản vô cùng đáng quý, với ý nghĩa tinh thần hết sức to lớn là Bộ sưu tập hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1968. Bộ sưu tập này sẽ được hiến tặng cho nhà văn hoá địa phương để nhân dân, các cháu thanh niên, học sinh đến đọc, học tập và làm theo những điều Bác dạy.

Với hành trình cuộc đời đầy ắp ý nghĩa như vậy nhưng ông Nguyễn Văn Tỵ vẫn cho rằng, thành tích của ông cũng như cả quá trình nuôi dạy các con thuộc về người vợ đã khuất hơn 10 năm. Cả quá trình tham gia cách mạng, đi công tác thoát ly, bà vừa chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy các con vừa tham gia cách mạng, làm kinh tế, xây dựng gia đình cho các con đến khi trưởng thành. Ngoài danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, cụ Nguyễn Văn Tỵ còn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô, Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tình báo quốc phòng, Huy chương Đại đoàn kết toàn dân...