Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cả nhà nhập viện vì sốt xuất huyết

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/5, theo thông tin Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, số lượng người mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị đang bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, trong đó số lượng người lớn mắc tăng hơn so với năm 2016.

Bác sĩ Tạ Quang Mậu - Trưởng khoa Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, đa số người bệnh đến viện điều trị khi đã bị nặng do nhầm lẫn SXH với sốt virus, tự ý điều trị ở nhà. Thậm chí, có những trường hợp cả gia đình phải vào viện điều trị vì mắc SXH. Điển hình như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Đ. (ở Tổ 12, phường Phú Lương - quận Hà Đông).
Người dân nên lật úp các dụng cụ chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyên Hạnh
Được biết, gia đình chị Đ. có 4 người, thì cả 4 đều mắc SXH. Ban đầu, cả 4 thành viên đều có biểu hiện sốt, nhức đầu nên tưởng chỉ bị sốt virus do thay đổi thời tiết và tự điều trị bằng thuốc hạ sốt và kháng sinh. Tuy nhiên, sau 3 ngày uống thuốc không thuyên giảm, cùng với việc đau đầu, mỏi mắt, mỏi xương khớp, chị cùng chồng, con ra Bệnh viện Hà Đông để thăm khám và được chẩn đoán mắc SXH.

Theo bác sĩ Tạ Quang Mậu, điểm khác nhau giữa SXH và sốt virus là SXH do muỗi truyền bệnh, sau giai đoạn sốt ban đầu khoảng 3 - 5 ngày, người bệnh thường có biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, thậm chí là xuất huyết đường tiêu hóa. Còn đối với sốt do virus, người bệnh cũng có biểu hiện sốt cao, nhưng uống thuốc sẽ hạ được sốt, sau khi hạ được sốt người bệnh, thậm chí trẻ nhỏ vẫn ăn uống, chơi đùa và làm việc bình thường. “Chính vì thế, nếu thấy sốt cao uống thuốc không hạ được, kèm theo đau đầu, mỏi cơ khớp… thì người dân hãy nghĩ đến SXH và phải đến bệnh viện để được kiểm tra, xét nghiệm”, bác sĩ Mậu nhấn mạnh.

Để phòng tránh bệnh SXH, bác sĩ Mậu khuyến cáo người dân cần phải dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quan bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,... Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao.